Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam thoát nghèo từ cây sâm Ngọc Linh

Thứ Bảy, 03/12/2022 21:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ nhiều năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triểm sâm Ngọc Linh, đưa loại cây dược liệu quý hiếm này trở thành cây trồng chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, từ chỗ chỉ khoảng 110 hộ ở xã Trà Linh trồng sâm Ngọc Linh, diện tích 65ha năm 2014, đến nay đã phát triển lên 7/10 xã, hình thành 47 chốt, số hộ tăng lên 1.200 hộ, với diện tích trên 1.600ha. Theo ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: “Quảng Nam có 70 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 58 xã, 230 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, người dân dần có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, vì vậy trong thời gian ngắn số lượng các hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh tăng lên đáng kể. Bằng nguồn vốn từ các chương trình, huyện đã hỗ trợ được gần 41.000 cây sâm giống, với diện tích chỉ khoảng 2ha, phần diện tích còn lại người dân tự trồng, phát triển qua các năm".

Phóng viên phỏng vấn ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam.

Hiện có một số đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh như: Trại sâm giống Tắk Ngo, Thôn 2 xã Trà Linh, do huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống 2 năm tuổi; Trại dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh Quảng Nam quản lý với tổng diện tích 7,127 ha và tổng số 167.658 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Bên cạnh đó, tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang thuộc huyện Nam Trà My đang hình thành 27 chốt trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm.

Theo ông Hà Ra Diêu, những năm gần đây đồng bào Xê Đăng đang không ngừng cố gắng, chăm chỉ lao động thoát nghèo và hơn hết là giữ nguồn cội của rừng từ cây sâm Ngọc Linh.

Ông cho biết, trước đây, người dân chỉ biết đến làm lúa hay lên rừng lấy đôi ba cây thuốc về bán. Có biết đến sâm Ngọc Linh nhưng đồng bào không nhận biết được giá trị kinh tế của loại dược liệu này. Vì thế, người dân chỉ lên rừng đào về để chữa bệnh hoặc bán với giá rất rẻ. Sau này, các doanh nghiệp mới mở dự án trồng sâm nên tuyển dụng người dân vào làm. Cũng từ đó, người dân biết đến kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh. Có được lợi thế này, họ đã mạnh dạn đầu tư vốn đưa giống về trồng. Dựa vào kinh nghiệm được học và chăm sóc vườn cây, giờ đây, có những gia đình thu về hàng trăm triệu đồng từ việc bán lá, cây giống.

Lồng ghép trong chương trình Phát triển mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư bằng vốn của Trung ương và vốn của địa phương bằng hình thức thành lập nên các vườn ươm sâm ngọc linh để tạo nhân giống đầu nguồn. Sau đó, cấp cho các hộ dân theo tỉ lệ đăng kí, ưu tiên các hộ nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn mới trồng lần đầu. Ngoài ra, các nhóm hộ cũng giúp đỡ nhau phát triển thành một vùng nguyên liệu. Ngoài sự đóng góp của nhà nước, Đề án Chương trình 88… về nguồn vốn đầu tư, từ cơ sở hạ tầng, giống để phát triển vùng nguyên liệu này ngày càng giàu mạnh hơn.

Có thể nói, sâm ngọc linh đang được kỳ vọng trở thành cây thương phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, các địa phương miền núi khi thực hiện chương trình này, với nguồn lực trong khả năng có hạn, cần tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực địa phương, nguồn lực trong dân để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu trên địa bàn miền núi tỉnh. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 88 đã đề ra” - ông Riêu cho biết.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được khởi động, là một trong những động lực giúp đổi thay đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn mới, cũng như đóng vai trò “xương sống” nòng cốt quyết định sự phát triển về mọi mặt của vùng miền núi tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.

Tuyết Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN