Thành phố Điện Biên Phủ: Tập trung tối đa nguồn lực thực hiện Chương trình 1719
(ĐCSVN) - Hiện nay, thành phố Điện Biên Phủ đang tích cực phát huy hiệu quả nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) để thúc đẩy công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của đồng bào. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Tỉnh uỷ viên, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ về nội dung này.
Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ - Nguyễn Quang Hưng (bên trái trong ảnh) trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (ảnh: Phạm Cường) |
Phóng viên: Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết một số đặc điểm tình hình địa bàn của thành phố liên quan đến tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Tỉnh uỷ viên, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ:
Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Điện Biên, có diện tích tự nhiên trên 308 km2, dân số gần 82 nghìn người, với 14 dân tộc, có 12 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 5 xã, 173 tổ dân phố, thôn, bản.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Điện Biên, kinh tế - xã hội của thành phố từng bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hiện nay, thành phố còn 4 xã vùng ngoài là Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang là những xã có vị trí cách trung tâm thành phố trên 20km, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Các xã này đang trong tiến trình xây dựng nông thôn mới từ xã khu vực III - xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mặt khác, các dân tộc trên địa bàn có tập quán canh tác lạc hậu, hiệu quả thấp, ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, còn có tư tưởng trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước. Thành phố cũng không có Phòng Dân tộc nên gặp nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.
Tuy nhiên, trong tiến trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thành phố Điện Biên Phủ cũng gặp thuận lợi, đó là thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo Thành uỷ, sự giám sát của HĐND thành phố; hướng dẫn của các sở, ngành trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, với nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thành phố Điện Biên Phủ đã đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ gì?
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng: Đối với thành phố Điện Biên Phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng, vì nguồn lực của Chương trình khá lớn. Tổng số kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình năm 2022 và 2023 là 63 tỷ 603 triệu đồng, bao gồm cả vốn đối ứng ngân sách thành phố gần 1 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2023, thành phố đã giải ngân được 32 tỷ 452 triệu đồng, đạt 51,02% kế hoạch vốn giao.
Nếu như năm 2020, thành phố có 764 hộ nghèo, tỷ lệ 3,8% thì đến 31/12/2022, chỉ còn 107 hộ nghèo, giảm 657 hộ. Số hộ nghèo chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,51%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong toàn tỉnh Điện Biên.
Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay, thành phố Điện Biên Phủ đã đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu như sau:
- Ước thu nhập bình quân đầu người 35 triệu đồng/người/năm
- Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn Thành phố giảm còn 0,6%
- Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%
- Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 100%
- Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 98,11%
- Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%
- Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 100%
- Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%
- Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt 100%
- Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,9%
- Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông đạt 99%
- Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 74,1%
- Tỷ lệ thôn có đội văn hoá, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt 89%
- Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%
- Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt 97%
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) đạt 97,5%
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 21,2%
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo đạt 90%
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ kiểm tra công trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (Nội dung số 4 của Dự án 1) cho đồng bào các dân tộc bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ (ảnh: Phạm Cường) |
Phóng viên: Như vậy, có thể thấy kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ là khá khả quan. Đề nghị đồng chí cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát huy các nguồn lực của Chương trình này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng: Thời gian qua, thành phố Điện Biên Phủ đã giao trực tiếp cho các phòng, ban, đơn vị chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các xã: Mường Phăng, Nà Nhạn, Nà Tấu, Pá Khoang triển khai các tiểu dự án, các dự án trong Chương trình. Cụ thể gồm:
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào;
Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị;
Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
Dự án 5: Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch;
Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn;
Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Căn cứ những kết quả đã đạt được, thành phố sẽ vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ, đồng thời đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị phòng, ban và các xã triển khai các dự án theo kế hoạch đã giao một cách đồng bộ, hiệu quả. Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trong đó đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Các cấp lãnh đạo từ thành phố đến các cơ sở phải quyết liệt vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm đúng kế hoạch, đúng quy định, đúng pháp luật. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám làm vì sợ trách nhiệm. Nhưng cũng không vì thế mà làm ẩu, làm sai, chạy theo thành tích. Tất cả vì cái đích cuối cùng là hiệu quả và ý nghĩa nhân văn của Chương trình.
Có thể khẳng định là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là động lực để thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục phát triển, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ổn định cuộc sống. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào ngày càng tốt hơn. Hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất ngày càng hoàn chỉnh; bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy…
Cấp ủy, chính quyền thành phố coi đó mục đích phấn đấu, là một trong những thành tích quan trọng hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thành phố Điện Biên Phủ - nơi trái tim của tỉnh Điện Biên.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ!