Đồng bào Công giáo tin tưởng và kỳ vọng vào Đại hội Đảng
(ĐCSVN) - Đại hội lần thứ XII của Đảng sắp khai mạc. Trước thềm Đại hội, nhiều ý kiến của đồng bào Công giáo đã thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng vào Đại hội.
Trao đổi với phóng viên, linh mục Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho biết: Tôi mong rằng, Đại hội XII của Đảng sẽ tiếp tục tạo điều kiện phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, coi tôn giáo không chỉ là một nguồn lực xã hội mà còn là nguồn lực văn hóa, vật chất. Những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo những năm qua đã được phát huy trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là trong các hoạt động từ thiện xã hội.
Với sự chuẩn bị chu đáo và lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành, tôi tin rằng qua Đại hội, Nhà nước ta không chỉ tạo điều kiện về mặt pháp lý mà còn tạo điều kiện xã hội để tôn giáo tham gia nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo...
TS. Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch UBĐKCG thành phố Hà Nội. Ảnh: AL
TS. Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nôi, cũng là một giáo dân khẳng định: Tôi thấy công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng ta rất kỹ lưỡng, đặc biệt thể hiện qua các Hội nghị Trung ương 13 và Trung ương 14, vừa đảm bảo tính liên tục và kế thừa, vừa nhằm chọn được người thực sự có năng lực lãnh đạo, có đạo đức và tầm nhìn để đưa đất nước ngày càng phát triển.
Về Văn kiện Đại hội, theo tôi, đồng bào Công giáo rất quan tâm tới chủ trương, đường lối xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống của Đảng. Ngay từ khi thành lập, Đảng đã khẳng định đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo chính là sức mạnh không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn trong xây dựng và phát triển đất nước.
Điểm mới trong Dự thảo văn kiện Đại hội được đồng bào các tôn giáo phấn khởi, đó là Đảng đã công nhận giá trị văn hóa của các tôn giáo. Giá trị văn hóa của các tôn giáo chính là một trong những nguồn lực và động lực để xây dựng xã hội mới. Giá trị văn hóa đó bao gồm văn hóa vật chất, nhà thờ, chùa chiền…; giá trị văn hóa tinh thần: Lễ hội, tập quán…Mỗi tôn giáo có nét văn hóa đặc trưng, khi hình thành và phát triển, nó đã hòa nhập với văn hóa dân tộc và có giá trị trong đời sống xã hội.
Chị Đào Thị Tuyết, giáo dân họ đạo Cầu Dần (Nam Định) chia sẻ: Việc làm cho sinh viên luôn là vấn đề được quan tâm. Đất nước đang hội nhập quốc tế nhanh và sâu rộng, trong đó có sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài đang tác động hàng ngày, hàng giờ tới ý nghĩ, hành động của rất nhiều bạn trẻ. “Tôi nghĩ, các bạn trẻ nên quan tâm đến chính sách việc làm và giáo dục, định hướng lý tưởng cách mạng, lối sống để vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa hội nhập với nền văn hóa hiện đại để xây dựng đất nước, con người Việt Nam trong tình hình mới. Tôi tin Đảng sẽ rất quan tâm và có những chính sách hiệu quả đối với công tác thanh niên” - chị Tuyết bày tỏ.
Anh Trương Quý Trọng, giáo dân xứ đạo Xuân Bảng (Nam Định): Những năm gần đây, các hoạt động tôn giáo ở nước ta ngày càng sôi nổi với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, được các nước đánh giá cao. Quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican đang có nhiều phát triển tốt đẹp, thể hiện qua các chuyến thăm và làm việc của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc với các vị chức sắc lãnh đạo Tòa thánh. Vì thế, đoàn kết tôn giáo không chỉ còn trong phạm vi đất nước mà cả đồng bào các tôn giáo sinh sống tại nước ngoài. “Tôi tin rằng, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và đối ngoại, trong đó có đối ngoại tôn giáo sẽ được Đại hội quan tâm và đưa ra những điểm mới thúc đẩy các quan hệ quốc tế sâu rộng và đa dạng hơn” - anh Trương Quý Trọng bày tỏ tin tưởng.
Ông Nguyễn Văn Thuyên - Phó Thư ký Tòa soạn Báo Người Công giáo Việt Nam, đồng thời là một giáo dân cho biết: Qua theo dõi các Hội nghị Trung ương, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 14 mới đây, tôi nhận thấy, Đảng đã có sự chuẩn bị công phu và thể hiện rõ tính dân chủ, thẳng thắn; kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh,… Vì vậy, có thể khẳng định, Đại hội XII sẽ là Đại hội phát huy cao tính dân chủ, đoàn kết, trí tuệ tập thể để đưa ra được đường lối lãnh đạo đúng đắn trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Những người lãnh đạo được Đại hội chọn sẽ biết tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Theo ông Nguyễn Văn Thuyên, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Song trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhanh chóng và sâu rộng, Đảng cần quan tâm hơn đến việc tập hợp đoàn kết kiều bào, đồng bào Công giáo Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Thuyên tin rằng, chính sách tôn giáo của Đảng sẽ sớm được cụ thể hóa thành chính sách pháp luật và sẽ tiếp tục có những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, nhất là phát huy trò của các tôn giáo để Công giáo cũng như các tôn giáo khác thực sự trở thành “tôn giáo xã hội”, vừa khẳng định mình, vừa đóng góp xây dựng xã hội./.