Đổi mới hoạt động quản trị để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam” là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi tri thức giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới và phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Ngày 18/10, Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam” đã diễn ra tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) với sự tham gia của đông đảo đại biểu cùng cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
Hội thảo do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn FPT đồng tổ chức.
Hội thảo đã quy tụ hơn 100 tác giả tham gia viết tham luận, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước với 47 tham luận.
Thực tiễn đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới về phương pháp quản trị
Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Chuyển đổi số, xu hướng phát triển bền vững và các biến động từ thị trường quốc tế đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp phải đổi mới, không chỉ về sản phẩm và dịch vụ mà còn cả trong các phương pháp quản trị. Các mô hình quản trị truyền thống, dù có nhiều đóng góp đáng kể, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần phải thích nghi và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường và sự phát triển chung của đất nước.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Nhận thức được tầm quan trọng của sự đổi mới trong hoạt động doanh nghiệp, thời gian qua, Trường Đại học Ngoại thương đã hợp tác với các doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao tri thức về quản trị doanh nghiệp và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
"Chúng tôi tổ chức hội thảo này với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, và doanh nghiệp có thể cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đổi mới và ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để chúng ta học hỏi từ những nghiên cứu khoa học, các bài học thực tiễn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó rút ra những bài học và giải pháp phù hợp với bối cảnh của Việt Nam", PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nói.
Đồng chủ trì Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Đức Thái nhận định: Hội thảo hôm nay không chỉ là cơ hội để nhìn lại những bước chuyển mình của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà còn là nơi để chúng ta thảo luận sâu hơn về những xu hướng quản trị tiên tiến và hiệu quả. Trong thời đại của công nghệ số và phát triển bền vững, những yêu cầu về đổi mới mô hình quản trị và áp dụng công nghệ đã trở thành một yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Đức Thái phát biểu tại Hội thảo. |
Cũng theo ông Phạm Đức Thái, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đổi mới quản trị doanh nghiệp không chỉ là yếu tố cạnh tranh mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vai trò đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tuyên truyền, lan tỏa các chính sách và sáng kiến đổi mới.
“Với hội thảo này, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ những bài học thành công và thất bại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, chúng ta có thể tìm ra các giải pháp thích hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế”, ông Phạm Đức Thái chia sẻ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) khẳng định, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng vai trò có tính chất quyết định của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế. Điều này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, là một trong các giải pháp quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Hoàng Trung Hiếu cho biết: Là hạt nhân cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi căn bản tương lai kinh tế Việt Nam, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trung tâm cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Nhấn mạnh việc tổ chức Hội thảo “Đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam” là một hoạt động thiết thực nhằm phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, phát triển cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Hoàng Trung Hiếu cho biết Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia luôn ủng hộ, đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng nhau hành động hướng về tương lai.
"Quản trị linh hoạt hay quản trị đổi mới trong thời kỳ VUCA"
Hội thảo đã nghe trình bày các kết quả nghiên cứu cùng những ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp về đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó có các tham luận: "Phát triển doanh nghiệp spin off, start up trong cơ sở giáo dục đại học để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam" (TS. Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Doanh nghiệp Khoa học công nghệ của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ); "Tác động của trí tuệ nhân tạo tạo sinh đến sự gắn kết và kết quả thực hiện công việc của nhân viên" (ThS. Vũ Thị Mai, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội); "Công nghệ quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam" (TS. Hà Văn Sỹ, Trường Đại học Công đoàn); "Ảnh hưởng của quản trị nguồn nhân lực xanh tới hành vi môi trường của nhân viên" (TS. Hoàng Thị Thùy Dương, Trường Đại học Ngoại thương)...
ThS. Vũ Thị Mai, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trình bày tham luận tại Hội thảo. |
Cũng trong trong khuôn khổ Hội thảo, phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Quản trị linh hoạt hay quản trị đổi mới trong thời kỳ VUCA” đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh về sự cần thiết của việc đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp cần có giải pháp để thích ứng và phát triển.
Phiên thảo luận bàn tròn không chỉ có phần trình bày của các diễn giả, khách mời mà còn có sự trao đổi, thảo luận của cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
Các diễn giả tham gia thảo luận bàn tròn tại Hội thảo. |
Với những kết quả nghiên cứu và thông tin, kinh nghiệm được trình bày tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn mang lại những đóng góp thiết thực cho việc nâng cao năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
VUCA là viết tắt của bốn từ tiếng Anh: Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp), và Ambiguity (Mơ hồ). Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả tình hình kinh doanh và thế giới hiện đại, trong đó các yếu tố không ổn định và không chắc chắn thường xuyên xảy ra, tạo ra một môi trường phức tạp và khó đoán trước. |