Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi mới hoạt động là nhu cầu tất yếu, thường xuyên của Quốc hội

Thứ Năm, 03/03/2022 19:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

​(ĐCSVN)- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nội dung này tại Toạ đàm lấy ý kiến xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội, chiều ngày 3/3.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nêu rõ, qua 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội các khóa đã không ngừng kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm của Quốc hội khóa trước, chủ động sáng tạo, đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhanh chóng tiệm cận với xu hướng phát triển của nghị viện thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nhu cầu cải tiến, đổi mới hoạt động là tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Đó cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, hoạt động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và cử tri, Nhân dân.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào 6 vấn đề trọng tâm của Đề án gồm: Kỳ họp bất thường; đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp thường lệ; thời hạn gửi tài liệu đến cơ quan thẩm tra; tăng cường vai trò của Chủ tọa, người điều hành kỳ họp; trách nhiệm trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về nhân sự, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; thí điểm thực hiện giải trình ý kiến ở Tổ trước phiên thảo luận tại Hội trường. 

Tại toạ đàm, các đại biểu đã góp ý vào Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội, trong đó tập trung thảo luận vào 6 nội dung còn có ý kiến khác nhau; phân tích, đánh giá sâu về thực trạng, yếu tố tác động đến kỳ họp, những thuận lợi và hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan và những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung Nội quy của Kỳ họp trên tinh thần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của Nghị viện các nước để tổ chức tiến hành Kỳ họp Quốc hội phù hợp với điều kiện, bối cảnh, tình hình của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế, gắn chặt chẽ, đồng bộ với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Ghi nhận và đánh giá cao nhiều ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, có tính chất gợi mở xác đáng góp phần hoàn thiện Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, những thử nghiệm và kết quả đạt được, đã là minh chứng sinh động, sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn để mạnh dạn đề xuất trong Đề án này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ban Chỉ đạo, tổ biên tập xây dựng Đề án ngay sau Tọa đàm cần khẩn trương tổng hợp các ý kiến của đại biểu, có Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện Đề án và thực hiện các thủ tục tiếp theo để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022)./.

 

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN