Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi mới công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc

Thứ Ba, 22/11/2022 10:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nguồn lực nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư… là những tư duy mới trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.

Ảnh minh họa.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có khoảng 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào cư trú chủ yếu ở 52 tỉnh, thành phố. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm ¾ diện tích tự nhiên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Từ năm 1930 - 1976, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm vấn đề dân tộc có “vị trí chiến lược” trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng.

Từ Đại hội VI - Đại hội của đường lối Đổi mới đất nước, Đảng ta chủ trương: “Phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể, kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội”. Trong đó coi sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc đi liền với sự củng cố, phát triển cộng đồng các dân tộc trên đất nước.

Từ Đại hội VII đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định lại và bổ sung, đổi mới chủ trương, đường lối về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc.

Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Đối với Nghị quyết này, Đảng ta đã 2 lần tiến hành tổng kết. Lần đầu vào năm 2009, sau đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 57-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24. Lần thứ hai vào năm 2019, sau đó, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24, trong đó đề ra chủ trương, đường lối công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 với rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá.

Sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW được ban hành, công tác thể chế đường lối của Đảng đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tích cực triển khai.

Hiến pháp năm 2013 đã giao thẩm quyền cho Quốc hội trong việc hoạch định chính sách dân tộc (CSDT); thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân tộc.

Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và đầu năm 2022, tiếp tục ban hành Nghị quyết về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045.

Các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN.

Tổng cộng có 118 CSDT đã tạo thành hệ thống chính sách đa chiều thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN.

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách dân tộc

Đầu tiên là về nguồn lực, Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Giai đoạn 2003 - 2008, khoảng 250.000 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS&MN khá cao, bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm. Đã có 8/64 huyện nghèo thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế huyện nghèo thoát nghèo; 124 xã, 1.322 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 1.052 xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặt bằng dân trí của đồng bào được nâng lên, mức hưởng thụ các dịch vụ về y tế, văn hóa, xã hội ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở là thành tựu nổi bật của Việt Nam được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế. Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS&MN được kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, cơ bản ổn định, không có điểm nóng, phức tạp. Niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Những vấn đề đặt ra đối với vùng DTTS&MN

Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 trong tình hình mới đánh giá: “Đến nay, chưa thực hiện được một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: “Chính sách, pháp luật được ban hành chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang là vùng khó khăn, chậm phát triển nhất của cả nước. 

Hệ quả là vùng DTTS và miền núi hiện nay đang tồn tại “5 nhất”: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có 3.434 xã vùng DTTS&MN thì có tới 1.551 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó nhiều nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Nếu tiếp tục duy trì mức độ giảm nghèo 3 - 4%/năm như hiện nay thì một số dân tộc phải mất nhiều chục năm mới thoát nghèo theo chuẩn nghèo hiện tại. Hộ nghèo dần chỉ còn là hộ người DTTS và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS chưa được giải quyết hiệu quả, tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản vẫn còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguy cơ mất bản sắc văn hóa truyền thống trong một số dân tộc, tỷ lệ cán bộ người DTTS trong bộ máy nhà nước có xu hướng giảm, an ninh, trật tự vùng DTTS&MN tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Xây dựng, triển khai thực hiện CSDT còn nhiều bất cập. Quá nhiều chính sách, chương trình, dự án nhưng nhìn chung là dàn trải, không đồng bộ, thiếu kết nối, thời gian thực hiện ngắn, mang tính nhiệm kỳ, giải quyết tình thế. Mục tiêu chính sách lớn nhưng nguồn lực hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành…

Giải pháp thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải giải quyết “5 nhất” ở vùng DTTS&MN và thực hiện Khoản 5, Điều 70 Hiến pháp 2013: Quốc hội quyết định CSDT.  

Kết luận 65-KL/TW yêu cầu: Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS &MN và Chương trình MTQG phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

Ngày 18/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đề án nhận được 100% biểu quyết tán thành của các đại biểu Quốc hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển vùng DTTS&MN.  

Quan điểm của Đảng được thể chế trong Đề án này có 3 nội dung cần đặc biệt chú ý, đó là: Nguồn lực nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định; Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; Tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN.

Đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển đất nước. 

Trong các giải pháp thực hiện Đề án tổng thể thì xây dựng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là giải pháp rất quan trọng. Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120 về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 với những nội dung đáng chú ý sau:

- Về nguồn lực đầu tư:

Tổng mức vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 là 137.664,959 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương gần 105 nghìn tỷ đồng. Trong khi vốn Trung ương bố trí cho 2 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới là gần 88 nghìn tỷ đồng.

- Đầu tư cho vùng DTTS&MN là đầu tư cho phát triển

Do vùng DTTS&MN là phên dậu quốc gia, nhiều khoáng sản, lá phổi của đất nước, trọng yếu về an ninh, quốc phòng… Khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong Chương trình MTQG đồng nghĩa với việc các CSDT sẽ được bố trí đủ nguồn lực để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, khắc phục tình trạng có chính sách nhưng thiếu nguồn lực đảm bảo dẫn đến không hoàn thành mục tiêu chính sách như đã từng xảy ra trước đây.

- Tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý

Toàn bộ các CSDT còn hiệu lực đã được tích hợp, đưa vào thực hiện trong Chương trình MTQG, đồng thời bổ sung một số chính sách mới, thể hiện trong  10 dự án thành phần của Chương trình.

Về đầu mối quản lý: Thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 03 Chương trình MTQG thay vì 3 ban chỉ đạo riêng cho 3 chương trình như giai đoạn trước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và trong việc thực hiện một số nội dung của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Giúp việc Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Văn phòng 1719)./.

Hoàng Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN