Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi mới cơ chế quản lý trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thứ Sáu, 30/06/2017 09:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Những năm gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập đã và đang có những giải pháp nhằm đổi mới cơ chế quản lý cũng như tổ chức lại hệ thống theo hướng tinh giản, hiệu quả.

Ảnh minh họa (Nguồn: trungtamdaynghethanhxuan.vn)

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), cả nước hiện có 1.989 cơ sở GDNN. Trong đó, công lập có 1.337 cơ sở (chiếm 67%) gồm 331 trường cao đẳng, 350 trường trung cấp và 656 trung tâm. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN, Bộ LĐ,TB&XH đã xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 135 văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan liên quan cũng ban hành hàng trăm văn bản liên quan đến cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ sở GDNN. Đặc biệt, từ năm 2017, Chính phủ đã thống nhất quản lý nhà nước về GDNN nên bước đầu khắc phục được sự phân chia quản lý đối với các cơ sở GDNN. Hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động đối với các cơ sở GDNN hướng dẫn Luật GDNN được ban hành nhanh chóng, kịp thời, phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương và cơ sở GDNN, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý, điều hành cơ sở GDNN.

Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở GDNN đang ngày càng phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có các trường cao đẳng và trung cấp; quy hoạch mạng lưới 45 trường nghề chất lượng cao và 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 100 nghề cấp độ quốc gia; hình thành và phát triển được một số trường nghề đặc thù để đào tạo cho người khuyết tất, người dân tộc thiểu số…Các cơ quan chủ quản bước đầu rà soát lại chức năng nhiệm vụ, trao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức bộ máy nhân sự, quản lý chi tiêu tài chính hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cơ chế quản lý các cơ sở GDNN công lập vẫn còn những điểm hạn chế. Trong đó, thể chế, pháp luật đã ban hành nhưng chưa đồng bộ, thống nhất về cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các cơ sở GDNN; chưa phân cấp triệt để cho cơ sở GDNN được quyền quyết định về chỉ tiêu biên chế, cơ chế tuyển dụng…Nhiều chính sách là tiền đề, là điều kiện quan trọng cho việc đổi mới cơ chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập ban hành chưa kịp thời hoặc sửa đổi gây ảnh hưởng tới  việc xác định, phê duyệt vị trí việc làm, định mức số người làm việc, hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động...

Đề giải quyết những hạn chế nêu trên, Bộ LĐ,TB&XH với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN cho rằng, cần thực hiện lộ trình chuyển nhiệm vụ chủ quản đối với các cơ sở GDNN công lập của các Bộ, ngành, tổ  chức chính trị - xã hội về UBND các địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính theo lãnh thổ trên địa bàn. Phân cấp cho các cơ sở GDNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch và chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện; tự bảo đảm các điều kiện về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các cơ sở GDNN cần tiến tới tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, được tự quyết định thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; được thành lập các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đào tạo theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản nhà nước…

Về những giải pháp khác, Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ đẩy mạnh công tác hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để đồng bộ hóa giữa các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp với các Luật có liên quan. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tổ chức, xây dựng và ban hành các chuẩn trong hệ thống GDNN gồm: chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề đào tạo; chuẩn nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề theo ngành trọng điểm ở các cấp…/.

Kim Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN