Doanh nghiệp lớn cần cơ chế quản lý thuế tương xứng với quy mô
(ĐCSVN) - Số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,075%) trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế; hiệu quả công tác quản lý chưa cao. Với quy mô phát triển doanh nghiệp hiện nay, bộ máy quản lý thuế các doanh nghiệp lớn hiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước (Ảnh: M.P) |
Đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu ngân sách
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có hơn 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính riêng các doanh nghiệp có quy vốn kinh doanh trên 500 tỷ đồng, thì chỉ có 7.192 doanh nghiệp, trong đó gồm: 671 doanh nghiệp nhà nước, 4.862 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 1.659 doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài. Như vậy, xét theo quy mô về vốn thì tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có quy mô vốn kinh doanh trên 500 tỷ đồng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (1,17%).
Tổng cục đang dự kiến đưa vào danh sách 561 doanh nghiệp lớn (bằng 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) để thực hiện quản lý thuế.
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, tỷ lệ 561 doanh nghiệp lớn chỉ bằng 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, số thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 đạt 180,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,65% tổng thu NSNN nội địa. Nếu tính bao gồm cả các công ty con trực thuộc 561 doanh nghiệp này, gồm 2.500 doanh nghiệp (chiếm 0,33% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) thì số thu NSNN năm 2019 đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu NSNN năm 2019 (không bao gồm thu từ quyền sử dụng đất, thu cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại cho phần vốn nhà nước, thu từ xổ số kiến thiết).
Trong 9 tháng năm 2020, tổng số thu ngân sách Nhà nước từ riêng 561 doanh nghiệp lớn đạt 195,62 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so với lũy kế 9 tháng cùng kỳ và bằng 65% so với cả năm 2019. Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,075% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước.
Bên cạnh vai trò hết sức quan trọng đối với ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp lớn cũng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế đất nước, đồng thời chịu trách nhiệm là đầu tàu, dẫn dẵn, thúc đẩy nền kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh - xã hội. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn luôn tạo nên sự phát triển kinh tế đồng đều và lâu dài giúp cho nên kinh tế luôn được ổn định và giảm bớt các biến động; là những nhận tố quan trọng góp phần định hình, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: tập đoàn dầu khí, tập đoàn điện lực, tập đoàn than và khoáng sản.
Cùng với đó, các doanh nghiệp lớn có nguồn vốn rất lớn và tiềm lực kinh tế mạnh nên có thể nhanh chóng thay đổi và tiếp xúc với sự tiên tiến của khoa học kỹ thuật trên thế giới. Doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh mạnh về vốn, nhân lực và thương hiệu tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn cân bằng giữa việc sản xuất và kinh doanh cho một nền kinh tế thay vì chỉ hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh và thương mại.
Cần cơ chế quản lý tương xứng
Mặc dù, vị trí của các doanh nghiệp lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế thị đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này; các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… thường ưu tiên các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14).
Trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế hiện nay hướng đến coi người nộp thuế là đối tượng để phục vụ. Tuy nhiên các doanh nghiệp lớn - là những khách hàng đặc biệt quan trọng, lại chưa có một cơ chế ưu tiên hay ưu đãi khác biệt so với phần còn lại. Công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế hay giải quyết vướng mắc, xử lý khiếu nại về thuế hiện nay tại cơ quan thuế cũng không phân biệt theo quy mô hay nhóm người nộp thuế lớn.
Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế được thành lập theo Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 được phân công theo dõi danh sách 405 doanh nghiệp, gồm 35 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 17 lô, mỏ dầu khí.
Trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay thu ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp lớn do Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thực hiện theo dõi quản lý thuế đạt khoảng 40% tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý thu.
Tuy nhiện, hiện nay, dù đã rất nỗ lực, nhưng Tổng cục Thuế đang phải đối mặt với một số vấn đề tồn tại trong quản lý thuế doanh nghiệp lớn, trong đó, vị trí, chức năng và tổ chức, bộ máy hiện nay của Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; thiếu chức năng giám sát công tác sau thanh tra - kiểm tra làm giảm hiệu quả quản lý; quản lý chuyên sâu các doanh nghiệp lớn theo từng ngành/lĩnh vực kinh tế còn hạn chế; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quản lý thuế doanh nghiệp lớn chưa đầy đủ và đồng bộ.
Với quy mô phát triển doanh nghiệp hiện nay, bộ máy quản lý thuế các doanh nghiệp lớn hiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Trong đó, còn thiếu chức năng giám sát công tác sau thanh tra - kiểm tra làm giảm hiệu quả quản lý chuyên sâu. Việc tái cơ cấu nâng cấp, lập Cục Quản lý Thuế các doanh nghiệp lớn sẽ giúp việc tổ chức nghiệp vụ quản lý thuế các đơn vị kinh tế “chủ lực” này thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần giúp Thuế thực hiện tốt nhiệm vụ.
Mới đây, xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế doanh nghiệp lớn trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận số 90/TB-VPCP ngày 11/3/2020 tại Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành thuế theo tinh thần của các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục, trong đó lưu ý thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia…”
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh đúng nhu cầu khách quan, xu thế tất yếu và sự cần thiết phải đổi mới công tác quản lý thuế doanh nghiệp lớn trong ngành thuế, tổ chức lại mô hình quản lý thuế ở cấp Trung ương (Tổng cục Thuế) để tăng tính tập trung, thống nhất, giữ vai trò chủ đạo của nguồn thu Ngân sách Trung ương, từ đó tạo động lực cho cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế và nâng cao công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính xây dựng “Đề án tổ chức lại Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục thuế”.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế khẳng định, việc đổi mới đi đôi với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; từng bước chuyển đổi sang mô hình “phục vụ” doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp lớn trong việc tuân thủ chính sách, pháp luật thuế. Việc cải cách nguyên tắc mô hình mới phải bảo đảm không tăng thêm số lượng, đầu mối trong toàn ngành, sử dụng biên chế trong tổng số biên chế được giao cho ngành thuế, không tăng thủ tục hành chính đối với người nộp thuế trên cơ sở phân định lại mối quan hệ phối hợp với Cục Thuế địa phương, tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chính phủ./.