Đoàn Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương tại Paralympic Paris 2024
(ĐCSVN) - Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương tại kỳ đại hội Paralympic Paris 2024, trong đó đặt kỳ vọng lớn nhất ở môn cử tạ, đặc biệt là đô cử Lê Văn Công.
Paralympic Paris 2024 sẽ khai mạc ngày 28/8 tại sân Place de la Concorde (Pháp). Chương trình Thế vận hội dành cho người khuyết tật có sự tham gia của 4.500 vận động viên tranh tài ở 22 môn thể thao và 23 nội dung thi đấu với 549 sự kiện diễn ra tại Paris và các vùng ngoại ô như: Clichy-sous-Bois, La Courneuve, Versailles, Saint-Quentin-en-Yvelines và Vaires-sur-Marne.
Tại Paralympic Paris 2024, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 huấn luyện viên và 7 vận động viên. Các vận động viên gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh). Cả 7 vận động viên tham dự Paralympic Paris 2024 đều thuộc thể thao người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương tại Paralympic Paris 2024. (Ảnh: CCT) |
Ở khu vực Đông Nam Á, tham dự Paralympic Paris 2024, Đoàn Thể thao người khuyết tật Thái Lan góp mặt đông đảo nhất với 78 vận động viên. Ngoài Việt Nam, Thái Lan thì các quốc gia gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Myanmar... đều có vận động viên thể thao người khuyết tật góp mặt.
So với Paralympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021), số lượng vận động viên của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam vẫn giữ nguyên 7 người. Tuy nhiên, chỉ có 3 người từng thi đấu ở Paralympic Tokyo 2020 là Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ) và Đỗ Thanh Hải (bơi). Còn lại là Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh), Lê Tiến Đạt (bơi), Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ) lần đầu giành vé tham dự Đại hội.
Năm nay đã 40 tuổi, đây là kỳ Paralympic thứ 4 của lực sĩ Lê Văn Công và anh vẫn tiếp tục gánh vác hy vọng cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam ở hạng cân 49kg. Nội dung này từng giúp anh giành huy chương Vàng Paralympic 2016 với thành tích 183kg và huy chương Bạc Paralympic 2020 đạt mức tạ tốt nhất 173kg.
Ngoài ra, kình ngư Lê Tiến Đạt cũng có thể làm nên bất ngờ. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 (Asian Para Games 4), Lê Tiến Đạt từng đoạt huy chương Vàng nội dung 100m ếch nam hạng thương tật SB5. Đô cử Nguyễn Bình An, nhà vô địch châu Á, huy chương Đồng Asian Para Games 2023 nhận được kỳ vọng ở hạng 54kg nam.
Đây là lần thứ 7 Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam góp mặt ở Paralympic kể từ lần đầu tiên tại Sydney năm 2000 với 2 vận động viên và không giành được huy chương nào. Ở 3 kỳ Paralympic sau đó tại Hy Lạp, Bắc Kinh, và London, số lượng các vận động viên đã tăng dần (4, 9, và 11). Đến Thế vận hội Paralympic Rio (2016), Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi giành được 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, và 2 huy chương Đồng. Đến kỳ Olympic Tokyo 2020, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 1 tấm huy chương Bạc của đô cử Lê Văn Công ở hạng cân 49kg.
Paralympic 2024 được kỳ vọng mang đến những cuộc thi đấu, màn thể hiện, tranh tài nảy lửa, kịch tính, hấp dẫn. Vừa thử thách cũng là cơ hội để các vận động viên thể hiện ý chí, nghị lực phi thường vượt qua trở ngại bản thân, tự tin chiến thắng chính mình. Họ sẽ có cách tỏa sáng riêng, đầy ấn tượng và cảm xúc, khẳng định không có giới hạn nào không thể vượt qua./.