Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đoàn kết quốc tế - chìa khóa để vượt qua COVID-19

Thứ Tư, 30/06/2021 18:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt đối với toàn nhân loại. Con đường duy nhất để tiến về phía trước là một chiến lược tiêm chủng toàn cầu nhanh chóng và được phối hợp chặt chẽ, với việc tăng cường năng lực sản xuất và phân phối dựa trên nhu cầu thực tế. Những người dễ bị tổn thương và nhân viên tuyến đầu nên được ưu tiên chủng ngừa, bất kể họ sống ở đâu trên thế giới.

 Sự ra đời của cơ chế COVAX do WHO khởi xướng là một nỗ lực quan trọng để thúc đẩy quyền tiếp cận vaccine COVID-19 nhanh và bình đẳng trên toàn cầu. (Ảnh: UNICEF)

Bảo hộ vaccine – lợi bất cập hại

Có thể khẳng định rằng sự chần chừ, do dự và lợi ích quốc gia sẽ không kết thúc được cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và sẽ không giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường và xã hội. Chủ nghĩa dân tộc về vaccine gây ra những hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời ngăn cản cuộc chiến chống lại virus Corona mới một cách đáng lo ngại.

Quá nhiều người đã bị tổn hại sức khỏe và quá nhiều người trong số họ đã phải mất đi sự sống, tổn thất về sinh mạng con người do COVID-19 gây ra quá lớn. Trong bối cảnh đó, sự thành công của việc phát triển vaccine COVID-19 đã làm dấy lên cuộc tranh luận xung quanh việc phân phối đủ và công bằng các liều lượng có sẵn vốn vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy mặc dù hàng tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sản xuất và phân phối trên thế giới nhưng “bức tranh” đó lại có sự phân hóa sâu sắc giữa các nước. Trong khi một số quốc gia đã nhanh chóng tìm được nguồn cung vaccine thì những quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vẫn chưa tiếp cận được.

Thống kê của Đại học Oxford (Anh) tính đến ngày 18/6 cho thấy, đã có hơn 2,5 tỷ liều vaccine COVID-19 được cung cấp, sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới, tương đương với trung bình 33 liều/100 người. Tuy nhiên, trong khi Mỹ hay châu Âu đã đạt nhiều tiến triển trong tiêm chủng đại trà, thì rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin… vẫn đang trong “cơn khát” vaccine và kỳ vọng dựa vào vaccine để thoát khỏi đại dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường. Cá biệt, tỷ lệ tiêm chủng tại châu Phi chỉ đạt 3,1 liều/100 người, cách quá xa con số 68 liều/100 người ở Bắc Mỹ hay 58 liều/100 người ở châu Âu. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phải lên tiếng rằng quá trình phân phối vaccine đang bất công một cách rõ rệt khi 10 quốc gia đứng đầu danh sách đã sử dụng tới 75% lượng vaccine toàn cầu.

Sự ra đời của cơ chế COVAX do WHO khởi xướng là một nỗ lực quan trọng để thúc đẩy quyền tiếp cận vaccine COVID-19 nhanh và bình đẳng trên toàn cầu. COVAX được thành lập như một phản ứng đa phương đối với thách thức về sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng này. Nó hướng tới mục tiêu đạt được miễn dịch toàn cầu và là trọng tâm của chiến lược tiêm chủng toàn cầu vốn nhằm đảm bảo phân phối công bằng và bình đẳng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công cụ này vẫn chưa thể cung cấp các loại vaccine quan trọng cho các nước thu nhập thấp và trung bình, vốn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: thiếu tài chính và hạn chế về vaccine trên thị trường. Nếu như mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vaccine vào năm 2021 và 1,8 tỷ liều vào đầu năm 2022 cho các nền kinh tế có thu nhập thấp; thì đến cuối tháng 5 vừa qua, COVAX mới chuyển giao được hơn 68 triệu liều, tức là chỉ đi được 3,4% con số đề ra.

Với nhiều loại vaccine khác nhau hiện đang được phát triển, đã đến lúc phải nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine cũng như phân phối vaccine COVID-19 một cách công bằng và bình đẳng. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong sản xuất hay sự thiên lệch nào trong phân phối vaccine đều khó có thể chấp nhận được, đặc biệt khi nó là kết quả của việc tối đa hóa lợi nhuận hoặc chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Khánh Linh) 

Đoàn kết và chia sẻ lợi ích

Có thể thấy rằng trong thời gian gần đây, nhiều nước giàu đã gia tăng cam kết chia sẻ vaccine trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở những nước này đang cho phép mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Những cam kết này được kỳ vọng mang lại công bằng trong việc phân bổ vaccine cho các nước nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ sau đại dịch.

Một trong các nỗ lực của Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) nhằm chấm dứt đại dịch vào năm 2022, trong tuyên bố đánh dấu sự kết thúc của Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine cho phần còn lại của thế giới theo cách trực tiếp hoặc thông qua COVAX. Trong số này, 500 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ cung cấp qua sáng kiến COVAX do Liên hợp quốc bảo trợ trong 2 năm 2021 và 2022. Anh cam kết ủng hộ ít nhất 100 triệu liều cho những nước nghèo nhất, trong đó, 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Theo Chính phủ Anh, khoảng 80 triệu liều sẽ được chuyển cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu, phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các nước có nhu cầu. Nhật Bản cũng khẳng định sẽ đóng góp 30 triệu liều. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Gần đây nhất, ngày 21/6, Nhà Trắng tiếp tục công bố kế hoạch cung cấp 55 triệu liều vaccine COVID-19 còn lại trong tổng số 80 triệu liều vaccine mà Mỹ đã cam kết nhằm giúp đỡ các nước trên thế giới. Tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng "Mỹ sẽ là một kho vaccine cho thế giới", đồng thời cho biết những liều vaccine này sẽ được sử dụng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, chẳng hạn như nhân viên y tế.

Và ngày mai (1/7), Bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng sẽ nhóm họp để thảo luận về các cách bảo đảm phân phối công bằng thuốc điều trị và vaccine COVID-19 cho các nước đang phát triển. Cuộc họp kéo dài một ngày tại Matera, Italy sẽ là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các Bộ trưởng G20 kể từ năm 2019.

Những cam kết liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nước giàu làm nhiều hơn để chia sẻ vaccine COVID-19 với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và giới quan sát cho rằng nỗ lực này tới nay mới chỉ như "muối bỏ bể" và thế giới cần nhiều hơn thế. Nhiều chuyên gia nhận định những cam kết cho đến nay chưa đủ để đạt được mức độ tiêm chủng cần thiết để chống lại các đợt bùng phát tiếp theo, cũng như các biến chủng nCoV mới và nhu cầu lớn hơn về vaccine. Nếu tốc độ tiêm chủng của chúng ta không theo kịp tốc độ đột biến của virus, nguy cơ biến chủng mới có khả năng kháng các loại vaccine hiện tại sẽ gia tăng. Điều này sẽ phá hủy thành quả mà chúng ta vốn đã phải rất nỗ lực để thực hiện.

Chính vì vậy, trong thời điểm hiện tại, thế giới cần cân nhắc tăng sản lượng vaccine COVID-19 nếu các nhà phát triển vaccine hợp tác tự nguyện, cung cấp năng lực sản xuất sẵn có, chia sẻ giấy phép với các nhà sản xuất khác và đồng ý phổ biến công nghệ cần thiết. Thêm vào đó, cần xem xét thống nhất một hiệp định đa phương nhằm tránh các rào cản hành chính không cần thiết, ngăn chặn việc dự trữ, đồng thời đặt việc sản xuất và phân phối vaccine nhanh chóng và công bằng trước động cơ lợi nhuận.

Song song với đó là củng cố và hỗ trợ hệ thống y tế quốc gia, bảo đảm người dân được tiếp cận bình đẳng với hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, cũng như tiếp cận với giáo dục.

Sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine và điều trị COVID-19 phản ánh sự bất bình đẳng giữa và trong các quốc gia cũng đồng thời đang cản trở phản ứng của chúng ta đối với đại dịch. Chỉ khi tất cả mọi người đều có cơ hội được tiêm phòng và chúng ta đã thành công trong việc tiêm phòng cho một phần đủ dân số thì chúng ta mới thực sự là người may mắn. Một chiến lược toàn cầu để chống lại COVID-19 sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đoàn kết giữa các châu lục, các quốc gia và các dân tộc. Một thế giới không có COVID-19 là điều hoàn toàn có thể, song để đạt được điều này, chúng ta cần tiếp tục hợp tác và hành động cùng nhau, không phải với tư cách là đối thủ cạnh tranh, mà là đối tác bình đẳng. Đoàn kết quốc tế, hơn lúc nào hết, chính là chìa khóa để vượt qua đại dịch./.

Khánh Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN