Đô thị vệ tinh!
(ĐCSVN) - Áp lực gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm cho “vùng lõi” của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng chật hẹp, quá tải cả hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng xã hội. Vì thế, phát triển đô thị vệ tinh là vấn đề cấp thiết với hai đô thị lớn nhất nước.
Hà Nội có tổng diện tích 3.324,5 km2. Trung bình mỗi năm, dân số thành phố Hà Nội tăng khoảng hơn 200.000 người.Tính đến tháng 7/2016, Hà Nội có 7,38 triệu nhân khẩu. Dự báo, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể tăng gấp đôi.
Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 2.095,5 km2. Dù diện tích nhỏ hơn Hà Nội, nhưng dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khoảng 13 triệu người - gần gấp đôi Hà Nội.
Dân số tăng nhanh, cầu về nhà ở cũng tăng theo, làm cho đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phát triển “ nóng”, nhất là ở “vùng lõi” (các quận nội thành). Các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng cho thuê mọc lên ở nhiều tuyến phố huyết mạch thuộc “vùng lõi” làm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vốn đã quá tải càng quá tải hơn. Tắc đường, kẹt xe, thiếu trường học, bệnh viện, khu vui chơi, ô nhiễm không khí... nói mãi thành quen!
Giải bài toán quá tải cho “vùng lõi” không thể không phát triển đô thị vệ tinh. Đô thị vệ tinh nói cho cùng là nơi bảo đảm cho mỗi người dân có nhà ở gắn với nơi việc làm; dịch vụ công, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi... đầy đủ và hiện đại. Ngoài ra, việc kết nối giao thông từ đô thị vệ tinh đến “ vùng lõi” đảm bảo thông suốt nhằm tăng cường tính liên kết, giao lưu, hợp tác. Khi đô thị vệ tinh đầy đủ các tiện ích và hấp dẫn bằng hoặc hơn “vùng lõi” thì sẽ giải được bài toán quá tải “ vùng lõi” từ dân số đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội...
Thực tế quỹ đất ngoại thành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thiếu để phát triển đô thị vệ tinh. Cái thiếu có lẽ nằm ở cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thực hiện.
Sửa đổi cơ chế, chính sách để bảo đảm sự phát triển hài hòa và bền vững không khó và sẽ được giải mã nhanh, nhưng khó nhất vẫn là việc huy động nguồn lực tài chính. Hiện nợ công của nước ta sắp chạm trần, nên việc dùng ngân sách nhà nước để hiện thực hóa hai đô thị vệ tinh xem ra khó khả thi. Huy động vốn ngoài ngân sách là giải pháp khả thi nhất, nhưng huy động bằng cách nào thật không dễ, nếu chính sách không thân thiện, hấp dẫn với nhà đầu tư hoặc “ trên trải thảm, dưới rải đinh”.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển nhanh và bền vững, nếu việc phát triển đô thị vệ tinh không còn “trên giấy”. Thời gian không chỉ tính bằng lợi ích kinh tế của hai thành phố, mà còn đo đếm bằng trách nhiệm của “công bộc” trước điều mong muốn của người dân về “chỉ số hạnh phúc”./.