Định hướng của báo chí trước những nguồn tin không chính xác
(ĐCSVN) - Báo chí cần phải thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra nguồn tin chính xác, có tính định hướng là một trong những chia sẻ của các đại biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm xử lý vấn nạn tin giả trong hoạt động báo chí và truyền thông” được tổ chức ngày 3/11 tại Hà Nội.
Hội thảo “Kinh nghiệm xử lý vấn nạn tin giả trong hoạt động báo chí và truyền thông”. |
Những năm gầy đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đặc biệt là mạng xã hội, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phân tích nguyên nhân, cách nhận diện, đánh giá tác hại và đưa ra các biện phá ngăn chặn tin giả là nội dung chính trong Hội thảo Kinh nghiệm xử lý vấn nạn tin giả trong hoạt động báo chí và truyền thông” diễn ra vào sáng ngày 3 tháng 11 tại Hà Nội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về thực trạng vấn nạn tin giả, có những loại tin giả nào; nguyên nhân xuất hiện tin giả; tin giả có ảnh hưởng như thế nào trong hoạt động báo chí... đưa ra những đề xuất, kiến nghị để xử lý vấn nạn tin giả.
Ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng VUSTA cho biết: Để chống tin giả cần phải Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo trong việc định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin đầy đủ, chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang trước tin giả, tin sai sự thật; Phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong việc sàng lọc thông tin, thẩm định và phản bác lại tin giả trên truyền thông xã hội, dùng tin thật chống lại tin giả; Vai trò của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý trong việc định hướng thông tin, nhận diện tin giả.
Ngoài ra, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý cũng cần phải nâng cao vai trò định hướng thông tin, nhận diện tin giả và có những biện pháp ứng phó, “thanh tẩy” tin giả.
Còn theo nhà báo Lê Hồng, Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức (VUSTA): báo chí hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp cận, tìm kiếm thông tin, lan truyền bài viết, tăng lượng độc giả nếu đó là những thông tin chính xác. Nhưng cùng với đó, báo chí cần phải thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra những nguồn tin chính xác, có tính định hướng thay vì chỉ là tin đồn trên mạng xã hội.
Tại hội thảo, ông Đặng Mạnh Hùng – Phó Tổng biên tập, Báo Tri thức và Cuộc sống cho biết, hiện nay tin giả đang lan truyền khắp mạng xã hội, ngày trước thì chưa có tin giả mà chỉ gây hoang mang, nhưng với thời đại công nghiệp 4.0 nên hàng loạt tin tức được lan truyền. Chính vì thế, nếu nhà báo mà không tỉnh táo và cảnh giác thì phải trả giá. Nếu tin giả bị phát tán thì sẽ rất nguy hiểm, nên nhà báo phải hết sức cảnh giác cũng như độc giả cần phải xem xét và nhìn nhận tin tức một cách thấu đáo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến như Fake news vì fake news, một khi thông tin là mới mẻ, cộng với trí tuệ hạn chế thì sẽ tạo ra những nhận thức sai lệch. Có nhiều người nhầm lẫn giữa xác suất số nhiều và quy luật. Nhiều người không biết đó là do tác động từ bên ngoài mà nghĩ là của mình. Tâm lý học về sau có nghiên cứu rất kỹ về việc gieo ý thức vào người khác nhưng để người ta vẫn nghĩ là của mình.
Nói về những giải pháp lâu dài, nhà báo Đặng Mạnh Hùng cho biết thêm: hiện nay chế tài xử phạt tin giả, tin sai sự thật chưa đủ sức răn đe. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu và có hình thức xử lý mạnh tay hơn nữa đối với tin giả, không đúng sự thật. Ngoài ra, độc giả cũng cần phải tỉnh táo chọn lọc thông tin, tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống thay vì mạng xã hội không được kiểm chứng./.