Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điều trị và phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh

Thứ Sáu, 12/01/2024 15:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Những ngày qua, ngành y tế tại nhiều địa phương đã nỗ lực kịp thời triển khai các hoạt động cứu chữa, đảm bảo sức khỏe cho người dân như: Vận động hiến máu tình nguyện, điều trị thành công cho bệnh nhân mất ngôn ngữ sau đột quỵ hay phẫu thuật cắt thành công khối u gan nặng 3kg…

 
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dạng đột quỵ hiếm gặp, đã không được điều trị kịp thời. 

Cần Thơ: Điều trị thành công cho bệnh nhân mất ngôn ngữ sau đột quỵ

Thông tin từ Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một trường hợp bệnh nhân bị mất ngôn ngữ sau đột quỵ hiếm gặp.

Anh Đ.T.A (sinh năm 1982, ngụ tại Thái Nguyên) đã trải qua đột quỵ cách đây 6 năm. Thời điểm đó, anh đã không được cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng, dẫn đến di chứng tổn thương não trái gây nói khó. 

Thêm vào đó, do di chứng hậu đột quỵ, khả năng viết, đọc và nói của anh A bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 6 năm qua, anh A đã được gia đình đưa đi điều trị tại nhiều bệnh viện và tham gia vào các buổi tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng; tuy nhiên, khả năng tiến triển rất chậm. Tháng 10/2023, gia đình quyết định đưa anh A từ Thái Nguyên vào Cần Thơ điều trị.

Sau 3 tháng điều trị, ngày 10/1/2024, sức khỏe của anh A đã có sự cải thiện rõ rệt. Anh không chỉ nói được những câu dài, mà còn có thể viết chữ như bình thường, tâm lý không còn bi quan, trầm cảm như trước đây…

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng kíp điều trị cho anh A cho biết: Bệnh nhân bị ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ sau đột quỵ do vị trí tổn thương trên não thường là thùy thái dương bên trái (trung tâm ngôn ngữ) với người thuận tay phải. Dạng đột quỵ này rất hiếm gặp nên dễ bị bỏ sót và điều trị muộn… Nếu mức độ bệnh nặng, có thể gây mất ngôn ngữ hoàn toàn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Do đó, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, cùng với kinh nghiệm của các bác sĩ Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, loại đột quỵ của anh A được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường khuyến cáo người dân nếu thấy người nhà có các dấu hiệu như mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó… phải nghĩ ngay đến đột quỵ. Hiện nay, trong cộng đồng vẫn còn nhiều người không biết, chủ quan, nghĩ đó là các dấu hiệu của trúng gió khiến bệnh nhân không được đưa đến cơ sở y tế kịp giờ vàng, bỏ lỡ cơ hội được cứu sống trên 90%.

TP. Hồ Chí Minh: Phẫu thuật cắt thành công khối u gan nặng 3kg

Chiều 10/1, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các y, bác sĩ của Bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u gan nặng đến 3kg cho một phụ nữ còn rất trẻ. Đây là ca phẫu thuật khối u gan lớn nhất được ghi nhận tại Bệnh viện.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Thảo, Chủ nhiệm Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175, nữ bệnh nhân 24 tuổi có tiền sử hen phế quản được phát hiện có khối u gan lớn một cách tình cờ. Sau khi thực hiện các bước chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ đã dựng hình khối u gan để tính toán chính xác thể tích, mô tả đầy đủ tình trạng các mạch máu liên quan trên hệ thống CT-Scanner 512 lát cắt. Các bác sĩ ước tính, khối u gan nặng đến 3kg, chiếm hầu hết nửa trên khoang bụng và hơn 80% thể tích gan toàn bộ, gây đè ép các mạch máu, rất khó tiếp cận theo cách thông thường và rất dễ gây vỡ u.

Khối u gan sau phẫu thuật của bệnh nhân. 

Ê- kíp mổ đã hội chẩn cùng các chuyên gia tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và quyết định cắt gan bằng đường tiếp cận phía trước. Đây là hình thức cắt gan vô cùng phức tạp, rất khó thực hiện với nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng trong và sau mổ, đặc biệt là suy chức năng gan. Đánh giá mức độ phức tạp của ca phẫu thuật, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã trực tiếp tham gia ê-kíp mổ cùng với các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, khối u gan đã được cắt bỏ hoàn toàn. Bệnh nhân sau mổ được chăm sóc theo chương trình phục hồi sớm, từ ngày thứ nhất sau mổ đã tự đứng, đi lại và ăn qua miệng. Đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định và xuất viện sau mổ 7 ngày.

Theo bác sĩ Trịnh Văn Thảo, khối u được xác định là u tuyến tế bào gan (Hepatocellular adenoma - HCA), là một tổn thương gan lành tính ít gặp. Đây cũng là một trong những trường hợp u tuyến tế bào gan lớn nhất từ trước tới nay được ghi nhận. Thông thường, HCA tồn tại đơn độc và được tìm thấy ở phụ nữ trẻ khi sử dụng thuốc có chứa estrogen. HCA có thể gây ra các triệu chứng đau, tức nặng vùng trên phải của bụng, gây giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ vỡ gây chảy máu tới 68% hay chuyển dạng sang các thể ung thư gan ác tính với tỷ lệ 5%. Hiện nay u tuyến tế bào gan được khuyến cáo phẫu thuật sớm với mọi kích thước đặc biệt là khi u từ 5cm trở lên hoặc u đã gây biến chứng.

Bến Tre vận động hiến 9.000 đơn vị máu trong năm 2024

Năm 2024, tỉnh Bến Tre sẽ vận động và tiếp nhận 9.000 đơn vị máu để đáp ứng nhu cầu máu trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Đó là chỉ tiêu được đề ra tại Kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện cứu người năm 2024 vừa được UBND tỉnh này ban hành.

Qua thống kê, toàn tỉnh Bến Tre đã thành lập và kiện toàn được 263 loại hình câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 2.946 thành viên, trong đó có 36 câu lạc bộ hiến máu dự bị với 520 thành viên; 95 câu lạc bộ gia đình hiến máu với 550 thành viên; 65 câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện với 630 thành viên; có 77 câu lạc bộ theo nhóm máu với 616 thành viên.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Trưởng ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, các câu lạc bộ sau khi được thành lập và hoạt động đã làm tốt công tác vận động người thân, gia đình và cộng đồng xã hội sẵn sàng tham gia hiến máu khi có nhu cầu cấp cứu và điều trị. Đây là lực lượng hiến máu tình nguyện được coi có nguồn cung cấp máu an toàn nhất.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bé Mười, năm 2024, do Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ chỉ thực hiện tiếp nhận máu từ tháng 03/2024 nên theo tình hình thực tế, tỉnh vận động chỉ tiêu 9.000 đơn vị máu. Cụ thể, chỉ tiêu này được phân bổ cho 12 đơn vị trên địa bàn tỉnh; trong đó, huyện Châu Thành là 850 đơn vị máu, huyện Ba Tri 770 đơn vị máu, huyện Bình Đại và Giồng Trôm mỗi huyện 760 đơn vị,…

Để công tác vận động hiến máu tình nguyện trên địa tiếp tục đạt được kết quả, đáp ứng nhu cầu về máu phục vụ công tác điều trị bệnh, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các đối tượng hiến máu, hiến máu nhắc lại để nâng cao chất lượng máu an toàn, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị của bệnh viện, giảm tỷ lệ máu hủy.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành để vận động được nhiều người tự nguyện tham gia đăng ký và sẵn sàng hiến máu cứu người, đảm bảo có đủ lượng máu phù hợp, hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu máu; xây dựng các Câu lạc bộ hiến máu dự bị theo từng nhóm máu, máu hiếm tại các cấp huyện, xã, nâng chất lượng các Câu lạc bộ hiến máu, sẵn sàng tham gia hiến máu bất kỳ tình huống nào./.

Khánh Thi (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN