Điều chỉnh tăng lãi suất điều hành - xu thế tất yếu
(ĐCSVN) - Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là nền kinh tế lớn của thế giới như: Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung Euro… đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Không là ngoại lệ, ngày 25/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chính điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, do đó lãi suất cho vay cũng sẽ điều chỉnh tăng lên.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn thách thức và có nhiều diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ khi sau hai năm bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nhưng khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các nước lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát.
Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là nền kinh tế lớn của thế giới như: Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung Euro… đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Theo thống kê, ngân hàng trung ương các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động này, phải tăng lãi suất rất mạnh với khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất ở mức cao. Trong khi đó, Việt Nam có độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng nhiều…
Thực tế minh chứng, trong bất kể trong hoàn cảnh nào, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu, vì nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân, nhất là những người dân còn khó khăn, nên phải kiên định mục tiêu.
Về phía các tổ chức tín dụng, kết quả hoạt động quý 3/2022 về cơ bản là tốt. Đây là dấu hiệu đáng mừng, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh từ đầu quý 3, trong khi lãi suất cho vay hầu như không điều chỉnh và mức tăng không nhiều so với tốc độ tăng của lãi suất huy động. Còn sang quý 4/2022, cụ thể, ngày 25/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chính điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, do đó lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên.
Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao mà cuối cùng doanh nghiệp không thể trả được tiền gốc, chưa nói đến lãi, thì chắc chắn không ngân hàng nào cho vay. Thực tế, để có thể cho vay, các ngân hàng thương mại phải cân nhắc, tính toán rất kỹ khi buộc phải nâng lãi suất cho vay. Khách hàng chấp nhận vay nhưng dự án của khách có hiệu quả hay không trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều tác động đến chính các doanh nghiệp. Lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, trong khi nhiều tác động bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Về phía mình, các tổ chức tín dụng đang gánh vác nhiều trọng trách nên khi cho vay rất thận trọng, vì vừa phải nâng cao hiệu quả an toàn vốn, đảm bảo chất lượng tín dụng, vừa phải hỗ trợ cho doanh nghiệp… Làm thế nào để hài hòa các trọng trách chứ không phải các tổ chức tín dụng muốn nâng lãi suất cho vay lên là nâng để kiếm lợi nhuận, bởi xét cho cùng, khi doanh nghiệp vay và không trả được nợ dẫn đến nợ xấu thì rủi ro này các tổ chức tín dụng gánh chịu. Bài toán là cả hai bên, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phải khôn ngoan, để cùng thắng thì cả hai phải đồng cam cộng khổ, chia sẻ những khó khăn, thay vì chỉ biết lên tiếng kêu than mà không nhìn vào bản chất của vấn đề, qua đó tránh lợi bất cập hại.
Song cũng phải nhấn mạnh rằng, tất cả các hoạt động đều phải theo quy luật thị trường, chứ không thể lãi suất đầu vào liên tục tăng mà không tăng lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các tổ chức tín dụng đang tiết giảm chi phí tối đa để đưa phần chi phí này vào hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghĩa là, các tổ chức tín dụng đang gồng gánh trong khả năng chịu đựng được. Trong trường hợp không chịu đựng được thì buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của ngân hàng.
Cũng cần thấy rõ, hiện nay, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng hóa khi đưa ra thị trường chưa đạt kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn hàng mới cũng không được nhiều trong khi thị trường đang bị bó hẹp lại và gián đoạn ở cả hai phía, cung và cầu. Trong khi đó, tình hình lạm phát căng thẳng trên thế giới, đặc biệt ở các thị trường lớn, các quốc gia phát triển - nơi có dòng vốn dồi dào, điều này khiến cơ hội gọi vốn, cơ hội M&A của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ít đi. Những biến động liên tục này khiến doanh nghiệp rất khó đưa ra phương án kinh doanh khả thi, không có phương án kinh doanh khả thi lại khó tiếp cận các gói tín dụng ngân hàng, bởi khi ngân hàng cho vay đều yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khả năng trả gốc/lãi khi đến hạn.
Khi lãi suất tăng, doanh nghiệp cũng phải tính toán lại bài toán tài chính. Đầu tiên là phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro từ 3 - 5%. Nếu không có nguồn dự phòng rủi ro này thì doanh nghiệp rất dễ gặp khó khăn dòng tiền, mất cân đối về khả năng thanh toán trong bối cảnh hiện nay.
Đáng nói, nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể dẫn tới thiếu nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu doanh nghiệp. Tiếp đó, phải tìm kiếm đến các ngân hàng có khả năng giải ngân trong trung và dài hạn để đảm bảo ổn định dòng tiền. Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng sẽ tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp rằng, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động.
Thực tế cho thấy, để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Đây là xu hướng tất yếu. Và không là ngoại lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chính thức điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, do đó lãi suất cho vay cũng sẽ điều chỉnh tăng lên.
Đương nhiên trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự giải thích, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai. Cụ thể, như khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vừa qua, việc kiên định điều hành chính sách tiền tệ đúng và trúng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Công tác điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống và đặc biệt giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài…
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước; qua đó, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023k; đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022.
Tất nhiên, song hành với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát ở Việt Nam còn “thấp”, vẫn dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm, nhiều người cho rằng, mục đích nâng lãi suất điều hành của NHNN là để bảo vệ tỷ giá, chứ không phải kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức lạm phát theo tháng ở Việt Nam đã tăng khá mạnh trong năm nay.
Một điều quan trọng nữa là kỳ vọng lạm phát. Lạm phát hiện tại có thể vẫn dưới mục tiêu, trong vòng kiểm soát, nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn nguyên đó, càng tăng tiến theo đà tăng một cách bướng bỉnh của lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, bất chấp các đợt các ngân hàng trung ương tăng lãi suất rầm rộ, mạnh mẽ, quy mô toàn cầu.
Bởi vậy, việc tăng lãi suất của NHNN là tất yếu. Nhưng không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, tăng lãi suất tất nhiên còn hỗ trợ tỷ giá nên gián tiếp giảm áp lực lạm phát. Do đó, dù mục đích tăng lãi suất lần này là để làm gì thì chỉ cần biết tăng lãi suất là điều bắt buộc phải làm.
Điều đáng nói ở đây là chuyện lãi suất tăng này không hẳn là “ngày tận thế” với doanh nghiệp. Nếu có tăng một vài điểm phần trăm thì mức lãi suất cho vay này vẫn không phải là cao đột biến so với diễn biến trong quá khứ, đã từng có lúc lên đến gần 20%/năm. Ngoài ra, để biết doanh nghiệp có chịu được mức lãi suất vay cao như thế không thì cần nhìn vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ chịu được lãi suất vay cao, nếu họ chuyển được chi phí vay đắt đỏ này vào giá bán và tiêu thụ được sản phẩm của mình, cũng tương tự như khi lạm phát cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sống được.
Ở Việt Nam, thực tế việc tăng lãi suất không chính thức từ đầu năm vẫn không cản bước Việt Nam đạt được các con số tăng trưởng GDP ấn tượng qua các quí cho đến nay. Cho nên, nếu tăng trưởng chững lại, hay quay đầu nhanh chóng, thì thì đương nhiên NHNN sẽ phải tính toán lại bài toán điều chỉnh lãi suất điều hành cho dù Fed có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không.
Nhưng lúc đó cũng đừng lo quá về áp lực tỷ giá hay lạm phát, bởi đơn giản là khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đồng nghĩa với tổng cầu tăng trưởng chậm lại, sẽ góp phần giảm áp lực tỷ giá hay lạm phát.