Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điện Biên: Phấn đấu sớm đạt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Năm, 13/06/2024 17:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để phấn đấu sớm đạt được mục tiêu. Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Đồng chí Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên. (Ảnh: TL)

Phóng viên: Nổi tiếng khắp thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, Điện Biên hôm nay mang một vẻ đẹp bình yên giữa núi rừng Tây Bắc. Đây cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em: Mông, Thái, Dao, Hà Nhì, Lào… Nhờ vậy, Điện Biên là vùng đất giàu trải nghiệm cho du khách khám phá. Xin đồng chí cho biết rõ thêm những lợi thế được coi là “điểm sáng” để Điện Biên phát triển du lịch?

Đồng chí Nguyễn Minh Phú: Tỉnh Điện Biên có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với chiến thắng “Lừng năm lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng bề thế và trang nghiêm; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; đền Hoàng Công Chất… các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao… Đây là những lợi thế để phát triển du lịch lịch sử, tâm linh của tỉnh.

Điện Biên hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 01 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh, 20 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điện Biên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng.

Thêm vào đó, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có cảng hàng không kết nối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vừa được nâng cấp, mở rộng, đủ điều kiện cho máy bay A321 hoạt động; hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực cũng đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... Đó là những yếu tố quan trọng để Điện Biên thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Tỉnh có 19 dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng. Các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én, các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì…

Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới dài 455,572 km, Điện Biên là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với 2 quốc gia là nước CHND Trung Hoa và nước CHDCND Lào. Cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú như: Hệ sinh thái hồ Pá Khoang, Đảo hoa Anh đào, Rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin, A Pa Chải - điểm cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa, các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva… Đó chính là những điều kiện để phát triển du lịch trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng, chăm sóc sưc khỏe.

Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam. (Ảnh: PV) 

Phóng viên: Tiềm năng du lịch Điện Biên đã được đánh thức và khai thác ngày càng có chiều sâu, phát huy được giá trị của nó. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển du lịch Điện Biên chắc hẳn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đồng chí, cần làm gì để du lịch Điện Biên tiếp tục cất cánh?

Đồng chí Nguyễn Minh Phú: Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để phấn đấu sớm đạt được mục tiêu.

Một là, Nâng cao nhận thức, cách thức quản lý, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch.

Hai là, Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển du lịch: Ưu đãi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng... Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Ba là, Hướng dẫn các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và hỗ trợ giá thuế đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển hoạt động du lịch của tỉnh Điện Biên; trong đó, ưu tiên một số dự án lớn. Tạo môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình đầu tư, kinh doanh phát triển du lịch ở địa phương.

Bốn là, Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập.

Năm là, Định kỳ rà soát công tác quản lý tại các khu/điểm tham quan, du lịch; các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch.... Cung cấp và duy trì số điện thoại đường dây nóng phục vụ giải đáp thắc mắc, kiến nghị của khách du lịch.

Sáu là, Chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và các địa phương ở nước ngoài. Tổ chức các đoàn famtrip (có sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, báo chí trong nước) nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng.

Bảy là, Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt. Lập kế hoạch xây dựng và thu hút đầu tư đối với 13 điểm dừng chân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh (theo định hướng phát triển điểm dừng chân)...

Tám là, Ứng dụng công nghệ số (thuyết minh tự động, mã QR, dữ liệu điểm đến trên hệ thống đám mây). Xây dựng mô hình “thẻ du lịch thông minh” dành cho khách du lịch. Phát triển bản đồ du lịch số cho tỉnh Điện Biên...

Chín là, Nghiên cứu, biên tập nội dung, hình ảnh, huy động nhân sự để tổ chức các show diễn thực cảnh “Điện Biên - vang vọng mọi miền”, hướng tới trở thành sản phẩm văn hóa thường niên, đặc trưng. Duy trì tổ chức các sản phẩm du lịch lễ hội thường niên: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Thành Bản Phủ (huyện Điện Biên), lễ hội đua thuyền Đuôi Én (thị xã Mường Lay), lễ hội đấu bò (huyện Điện Biên Đông), lễ hội té nước (huyện Điện Biên), lễ hội chọi dê (huyện Tủa Chùa)… Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm (Trekking, khám phá rừng nguyên sinh, khám phá hang động, dù lượn, đạp xe, zipline…); sản phẩm tham quan, trải nghiệm tại vườn thú Safari…; sản phẩm dịch vụ về đêm (phố đi bộ, không gian ẩm thực ngoài trời...). Hình thành chuỗi liên kết giữa các trung tâm du lịch, thương mại với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

 Tết Té nước của dân tộc Lào tại bản Na Sang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Lưu Học)

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết hướng đi chính, giải pháp căn cơ trong thời gian tới nhằm quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên?

Đồng chí Nguyễn Minh Phú: Để hoạt động xúc tiến du lịch tiếp tục đi vào chiều sâu, đẩy mạnh quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:

Thứ nhất, Tổ chức nghiên cứu thị trường khách du lịch, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của du khách để xây dựng những chương trình quảng bá xúc tiến du lịch phù hợp nhất, tiếp cận được đúng thị trường khách mong muốn cũng như đến nhiều thị trường khách tiềm năng mới. Đồng thời, tổ chức, tham gia có hiệu quả các chương trình, sự kiện du lịch tại các thị trường du lịch trọng điểm trong nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Chủ động, phối hợp với Cục Du lịch quốc gia, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các hãng hàng không, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, các hãng lữ hành để quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch, đưa hình ảnh du lịch Điện Biên đến gần hơn với bạn bè quốc tế, kết hợp trong các chương trình xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm ở khu vực nhân dịp các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao quan trọng, hướng đến thị trường có khả năng thanh toán cao và lưu trú dài ngày.

Thứ hai, Tăng cường liên kết, quảng bá xúc tiến với các tỉnh, thành phố để xây dựng các tour du lịch liên tuyến đưa khách du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh đến với nhiều điểm đến đặc sắc; đồng thời xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các tỉnh bạn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến hoạt động liên kết Cụm liên kết 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, các trung tâm điều phối khách du lịch như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng...

Thứ ba, Đặc biệt quan tâm, khai thác tối đa vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông trong việc quảng bá du lịch như: Phối hợp với các đài truyền hình xây dựng các phim, ký sự, phóng sự, sản xuất video clip quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương; thành lập “Câu lạc bộ phóng viên du lịch” để kịp thời thông tin,quảng bá về những điểm đến du lịch, những trào lưu du lịch đang được yêu thích. Tích cực đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn của quốc gia để thu hút sự quan tâm của công chúng đến Điện Biên: Năm du lịch quốc gia, các cuộc thi sắc đẹp, các giải thi đấu thể thao. Tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch gắn liền với việc quảng bá những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như Lễ hội Hoa Ban, Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ hội Đua thuyền đuôi én, Tết té nước…

Thứ tư, Tích cực vận động, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và tổ chức xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm dịch vụ đặc sắc (phố đi bộ, chợ đêm, không gian ẩm thực ngoài trời, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, homestay...); phát triển thêm các sản phẩm đặc thù của địa phương kết hợp với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế (tuyến phố check-in Điện Biên Phủ…). Tăng cường vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa quảng bá xúc tiến du lịch.

 Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. (Ảnh: Vũ Lợi)

Phóng viên: 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đây là năm Điện Biên đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, đồng chí có thể cho biết một số hoạt động nổi bật mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ tổ chức để tạo dấu ấn cho tỉnh trong năm nay?

Đồng chí Nguyễn Minh Phú: Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, với 169 chương trình, sự kiện; trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức; 28 chương trình, sự kiện, hoạt động do tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố tổ chức.

Trong đó, các hoạt động, sự kiện quan trọng, nổi bật trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, bao gồm: Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Lễ hội Hoa Ban năm 2024; Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024; các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa nổ tầm cao được tổ chức vào tối ngày 06/5/2024 tại Quảng trường 7-5; Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào sáng ngày 07/5/2024 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên; Hội thi Ẩm thực năm 2024; Hội thi Hướng dẫn viên giỏi dự kiến tổ chức vào tháng 8/2024; Lễ Tổng kết, Bế mạc “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024” tổ chức vào tháng 12/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Khánh Linh (Thực hiện)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN