Điện Biên: Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo học sinh dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐCSVN) - Là một tỉnh có học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 84,4%, nên trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS trên địa bàn.
Các em học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tham gia trò chơi nhảy sạp trong Chương trình “Vui Tết các dân tộc” do Nhà trường tổ chức thường niên cho các em trong dịp đầu năm mới. |
Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển ổn định về mạng lưới cơ sở giáo dục, hệ thống trường lớp. Tính đến năm học 2020–2021, toàn tỉnh hiện có 500 trường, trung tâm, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý 497 trường, trung tâm. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 72 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, 60 trường phổ dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở trung học cơ sở, 9 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT.
Từ năm 2019 - 2022, tỉnh Điện Biên đã đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với học sinh DTTS và miền núi. Trước hết, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và phát huy vai trò của hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Theo đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2019-2025"; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên giai đoạn 1 (2020-2025), toàn ngành tiếp tục mở lớp, cử cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng.
Đáng lưu ý, công tác bồi dưỡng được thực hiện linh hoạt phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo các nội dung cần cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học. Đặc biệt, Ngành đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức tập huấn về sách giáo khoa lớp 1 tất cả các môn học cho 100% giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý. Mặt khác, Ngành cũng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học 2021-2022, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường phân công giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 của năm học 2021-2022 nhằm chuẩn bị về đội ngũ; tổ chức góp ý bản thảo sách giáo khoa lớp 2, lớp 6...
Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục. 100% giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, 100% cán bộ quản lý có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; cấp mầm non có 88,86% giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; tiểu học có 66,26% giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; THCS có 80,79%, giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; THPT có 100% giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn.
Để tăng cường chất lượng giáo dục tiếng Việt cho học sinh DTTS và miền núi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng tham mưu cho tỉnh ban hành Kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 29/3/2021 về việc thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, Sở đều ban hành văn bản triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS tỉnh Điện Biên. Năm học 2022-2023, tỉnh còn tổ chức dạy tiếng DTTS cho học sinh cấp tiểu học. Cụ thể, dạy tiếng Thái tại 17 trường, 56 lớp; dạy tiếng Mông tại 10 trường với 47 lớp.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, Điện Biên hiện vẫn đang là một trong các tỉnh khó khăn nhất, có 7 huyện nghèo - nhiều nhất cả nước; với 94/126 xã khu vực III, 897/954 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 75,4%; tỷ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số mới đạt gần 50%...
Hệ thống mạng lưới trường lớp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu được tới trường của trẻ, học sinh song cũng bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều điểm trường, lớp lẻ. Các điểm trường lẻ, lớp lẻ này thường ít học sinh, cơ sở vật chất tương đối khó khăn, nhiều lớp chưa được kiên cố, hoặc kiên cố chỉ dừng ở mức “ba cứng” và thiếu các phòng ở bán trú cho học sinh tại các điểm lẻ, nhiều cơ sở giáo dục còn chung khuôn viên, chưa tách được độc lập, dẫn tới khó khăn trong thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, các môn học ngoài trời...
Một khó khăn không thể nhắc tới là đội ngũ giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên một số môn chuyên biệt (thiếu cả về nguồn tuyển). Mặt khác, đời sống của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô; một số cơ sở giáo dục số lượng học sinh bán trú cao, nhưng số phòng ở nội trú, bán trú còn thiếu. Một số công trình phụ trợ: bếp nấu, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch…còn thiếu, đã xuống cấp gây khó khăn trong công tác giảng dạy, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.
Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,9%, cao nhất cả nước nên vẫn còn tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng để tham gia lao động phụ giúp gia đình…
Do vậy, yêu cầu và thách thức đặt ra đối với Điện Biên là phải nỗ lực hơn để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn nói chung và giáo dục, đào tạo với đối tượng học sinh DTTS và miền núi nói riêng. Xác định được điều đó, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng tại cơ sở, trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo theo nhiệm vụ.
Toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo viên, tuyên truyền, vận động để học sinh không bỏ học. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chú trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, sắp xếp và điều chỉnh quy mô trường, lớp gắn với tinh giản biên chế. Qua đó, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của thực tiễn; thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh./.