Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dịch sốt xuất huyết và câu hỏi tại sao?

Thứ Sáu, 11/08/2017 14:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Để dập dịch sốt xuất huyết ở những điểm nóng, hai tuần qua, nhiều thầy thuốc không biết đến ngày nghỉ. Thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì người bệnh, nhưng tại sao dịch sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt, thậm chí điểm nóng vẫn tồn tại ở hai thành phố lớn?

Tại Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Trung ương, hành lang chật kín bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
 (Nguồn:vietnamnet.vn)

7 tháng đầu năm 2017, cả nước có 80.555 ca mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. Điều đáng nói, điểm nóng về dịch sốt xuất huyết lại rơi vào hai thành phố có nhiều bệnh viện nhất: Thành phố Hồ Chí Minh có 16.534 ca, tử vong 4 ca; Hà Nội có gần 14.000 ca, tử vong 7 ca. Để dập dịch sốt xuất huyết ở những điểm nóng, hai tuần qua, nhiều thầy thuốc không biết đến ngày nghỉ. Thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì người bệnh, nhưng tại sao dịch sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt, thậm chí điểm nóng vẫn tồn tại ở hai thành phố lớn?

Đổ lỗi cho người dân chưa quan tâm đến sức khỏe của mình, đổ lỗi cho thời tiết và môi trường làm dịch sốt xuất huyết gia tăng có lẽ là việc không khó, cái khó là tìm ra được căn nguyên và trách nhiệm phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Thực ra dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng từ 3 tháng nay, nhưng rất có thể y tế tuyến cơ sở chủ quan, tin là dịch sẽ được không chế. Dịch lan rộng, câu hỏi về trách nhiệm đâu chỉ có người dân và báo chí “truy”!

Từng đi kiểm tra, từng họp bàn giải pháp phòng, chống dịch với các địa phương, hẳn Bộ trưởng Bộ Y tế thấu hiểu việc trên chỉ đạo dưới thực hiện. Và không phải bỗng nhiên trong cuộc họp khẩn về dịch sốt xuất huyết chiều 10/8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đặt ra nhiều câu hỏi với Hà Nội: Tại sao quyết liệt mà vẫn mắc nhiều, áp dụng hết các bài rồi mà không dập được dịch; tại sao vẫn để tình trạng quá tải; tại sao nỗ lực nhiều nhưng không giải quyết được; để giảm số mắc và khống chế tối đa tử vong, phải làm thế nào.v.v.

Những câu hỏi mà Bộ trưởng đặt ra được báo chí công khai với nhân dân cho thấy, ngành Y tế không giấu “bệnh” của chính mình, công khai cả ưu và khuyết để thấy trách nhiệm phải phục vụ nhân dân tốt hơn.

So với nhiều địa phương khác, Hà Nội có nhiều thuận lợi hơn (tiền cũng nhiều, bệnh viện cũng nhiều, thuốc cũng dễ mua...)  trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhưng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lại cao nhất miền Bắc.

Trả lời những câu hỏi của Bộ trưởng, đại diện Sở Y tế Hà Nội phân trần: “Các biện pháp làm rất đầy đủ, đã kiểm tra, phối hợp với ban ngành đầy đủ nhưng vẫn gia tăng, lý do có yếu tố khách quan và chủ quan”.

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tuần sau cao hơn tuần trước và hiện còn 285 ổ dịch mà vẫn đổ lỗi cho yếu tố khách quan trước chủ quan thì thật đáng suy ngẫm.

Những câu hỏi của Bộ trưởng và giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội có thể xem như là thông điệp nhắc nhở các địa phương từng giây, từng phút không chủ quan với dịch, bởi sức khỏe và mạng sống con người là trên hết./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN