Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thủ đô

Thứ Sáu, 01/10/2021 16:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chỉ tiêu kinh tế 9 tháng đầu năm của TP Hà Nội tăng thấp, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 ước giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước, nhất là khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng năm 2021 - Ảnh: PC

Ngày 1/10, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng năm 2021.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Hà Minh Hải, Dương Đức Tuấn, Nguyễn Mạnh Quyền, Chử Xuân Dũng cùng lãnh đạo một số sở, ngành; các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu đơn vị, địa phương.

Báo cáo tại hội nghị về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 trên địa bàn thành phố ước tính giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhất là khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng.

Theo đó, tính chung 9 tháng của năm 2021, GRDP của thành phố tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020; tăng trưởng GRDP 9 tháng năm nay đạt mức thấp so với kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2020.

Nhưng bên cạnh đó, một số chỉ tiêu đạt khá, như tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 1,292 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 8 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Trong thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố đã hỗ trợ trên 1,625 triệu lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch với kinh phí 559,389 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 84 nghìn người có công và thân nhân với số tiền 1.562 tỷ đồng.

Tại hội nghị, chia sẻ các giải pháp tham gia đẩy mạnh phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch, Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết đơn vị đang cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong lĩnh vực công thương.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 trên địa bàn thành phố ước tính giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: PC 

Trong đó, Sở sẽ phối hợp triển khai xây dựng 43 cụm công nghiệp (phấn đấu khởi công 20 dự án trong năm nay); tập trung hỗ trợ 250-300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; công nhận 30 sản phẩm chủ lực; hỗ trợ làng nghề tìm kiếm thị trường; triển khai các chương trình khuyến công.

Đồng thời, tiếp tục đảm bảo hàng hóa cho chống dịch trong trạng thái mới; đảm bảo nguồn cung, sản xuất vụ đông; triển khai các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp xuất khẩu, FDI; kết nối xuất khẩu, cung cầu qua các sàn thương mại điện tử; khởi động lại các trung tâm thương mại, chợ phải đóng cửa vì COVID-19...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện tại các điểm cầu đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển kinh tế xã hội trong những tháng cuối năm, trong đó, tập trung vào các giải pháp, biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, điều hành thu - chi ngân sách các tháng cuối năm.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, trong những tháng cuối năm, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử, bình ổn thị trường.

Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch; tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất trong khu gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh…/.

Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN