Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến - Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Thứ Tư, 29/03/2017 17:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến - Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

 
Di tích Cây đa và Đền La Tiến 

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), 63 năm Ngày giải phóng bốt La Tiến, 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên (1/4/1947 - 1/4/2017).

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo.

Đồng chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam; các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử liên quan đến Di tích Cây đa và Đền La Tiến.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận khoa học, bài viết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và tỉnh Hưng Yên; các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp; các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sỹ, cán bộ nghiên cứu cùng nhiều nhân chứng lịch sử. Các tham luận, bài viết đã làm rõ những giá trị lịch sử và cách mạng của Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp nhằm phát huy giá trị của Di tích quan trọng này.

Di tích lịch sử Cây đa và Đền La Tiến nằm trên địa bàn xã Nguyên Hòa (Phù Cừ, Hưng Yên). Đây là nơi tưởng niệm anh linh 1.145 anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng và đồng bào ta đã bị thực dân Pháp giết hại trong thời gian chiếm đóng tại đây (từ năm 1949 - 1954), trong đó có 121 cán bộ và nhân dân xã Nguyên Hòa (Phù Cừ, Hưng Yên).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, La Tiến là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự, án ngữ phía Nam Hưng Yên, phía Bắc Thái Bình và phía Tây Hải Dương nên địch đã lấy đây là vị trí chiếm đóng, lập bốt, án ngữ nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm… từ các vùng lân cận và đàn áp phong trào cách mạng của quân, dân Hưng Yên. Ngay từ buổi đầu chiếm đóng, địch đã khủng bố hòng thiết lập “vành đai trắng” vô cùng tàn bạo. Chúng bắt hàng nghìn người dân và du kích trong vùng đưa về bốt La Tiến tra tấn dã man và giết hại bằng những hình thức man rợ. Chỉ trong gần 5 năm chiếm đóng tại La Tiến (1949 - 1954), địch đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước.

Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không những không đàn áp được phong trào cách mạng, mà còn thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, ý chí chiến đấu ngoan cường vì độc lập tự do của quân và dân ta. Trận tiến công tiêu diệt bốt La Tiến do quân và dân ta tiến hành vào cuối tháng 1/1954 đã góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; có ý nghĩa to lớn trên chiến trường cả nước, góp phần làm suy yếu địch, tạo điều kiện cho quân và dân ta đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ.

 
Hội thảo do UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức. 

Với những giá trị lịch sử đặc biệt, Cây đa và Đền La Tiến đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 4007/QĐ-BVHTTDL ngày 18/11/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngày nay, Di tích này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất, quật khởi của nhân dân Phù Cừ nói riêng, nhân dân Hưng Yên và cả nước nói chung. Nơi đây không chỉ là nơi lập bia căm thù, khắc ghi tội ác của kẻ thù, mà còn là địa điểm tri ân những chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất, khúc sông quê hương. Nơi đây cũng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta.

Trước đó, ngày 28/3, Ban Tổ chức Hội thảo đã về dâng hương tại địa điểm Cây đa và Đền La Tiến ở xã Nguyên Hòa (Phù Cừ). Trước anh linh các anh hùng, liệt sỹ, đồng bào, đồng chí bị giặc sát hại, các đại biểu dự dâng hương nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo thân nhân các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng… 

Các đại biểu cũng đã đặt vòng hoa, dâng hương, dành phút tưởng niệm trước tấm bia căm thù bên cạnh Cây đa, Đền La Tiến, tri ân những người có công với cách mạng, với quê hương, đất nước./.

K.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN