Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đi theo con đường tự học của Bác Hồ

Thứ Năm, 19/05/2022 14:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Ngày 18/5, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm chủ đề “Đi theo con đường tự học của Bác” nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết: Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Đối với Bác Hồ, tự học là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.

Để việc tự học đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, biết đến đâu nói đến đó, không được cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi.

 Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm chủ đề “Đi theo con đường tự học của Bác” thu hút rất đông đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận. Ảnh: Trần Oanh.

Phương pháp tự học của Bác Hồ là mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện sẵn có trong xã hội như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo,… Ngoài ra, mỗi người cần phải tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo của bạn bè, đồng nghiệp. Và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong giao thiệp, công việc hằng ngày, kinh nghiệm thành công cũng như thất bại, học trong công tác vận động quần chúng.

Thời gian qua, Hội Khuyến học Hà Nội đã đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. “Chúng ta vui mừng khi thấy tinh thần học tập của mọi người đã được nâng lên nhiều. Đa số các gia đình đều nhận thức được tầm quan trọng của sự học nên không ngừng đầu tư cho con cái học hành, người lớn cũng tìm mọi cách để học bằng nhiều hình thức”- bà Nguyễn Thị Ngọc Minh cho hay.

Dưới sự chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học Hà Nội đã lập kế hoạch thực hiện tốt việc xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập, công dân học tập. Trong đó, Hội Khuyến học Hà Nội lấy tự học là một trong những nhân tố quyết định để bồi đắp trí tuệ, kiến thức, đáp ứng yêu cầu phát triển của chính bản thân và xã hội trong kỷ nguyên số.

Tự học là một nét đẹp giản dị mà tuyệt vời của Bác Hồ nên nhiều năm nay ông Trịnh Văn Tiến – Chi hội khuyến học số 4, phường Phương Mai, quận Đống Đa đã cố gắng noi. Tại buổi tọa đàm, ông Tiến chia sẻ về việc tự học khi tuổi đã cao. Khi ông Tiến nghỉ hưu thì hai con còn nhỏ, mới học lớp 1 và 3. Vì không biết tiếng Anh để làm trợ giáo các con, trong khi không có điều kiện đi học tiếng Anh ở trung tâm, ông Tiến đã tự học tiếng Anh và Tin học ở nhà.

“Nhờ tự học mà tôi đã biết được tiếng Anh, từ đó khuyến khích và hỗ trợ được các con rất nhiều. Tôi còn đọc được hướng dẫn bằng tiếng Anh trên máy tính, các biển hiệu và máy móc sản phẩm. Nhờ chăm chỉ tự học tin học, đến nay tôi đánh máy 10 ngón không cần nhìn bàn phím. Nhiều năm và hiện nay đang làm bí thư chi bộ, tôi đều soạn thảo báo cáo, nghị quyết của chi bộ trên máy tính một cách dễ dàng…” – ông lão 70 tuổi chia sẻ.

Với việc luôn tìm tòi, học tập và khám phá, cô Nguyễn Thị Hạnh là giáo viên trường Tiểu học Đông Hội (huyện Đông Anh) đã thay đổi phương thức hoạt động, xây dựng các mô hình sáng tạo, giúp thiếu nhi có môi trường tự học, rèn luyện bản thân. Chẳng hạn, mô hình “Chúng em là phát thanh viên măng non” đã tạo sức lan tỏa mãnh liệt, dấy lên phong trào tự rèn luyện, tự học tập của học sinh… Đặc biệt, qua mô hình đã giáo dục học sinh những giá trị truyền thống, văn hóa, khoa học, xã hội, trang bị nhiều kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu…

Và còn rất nhiều mô hình tự học khác mang lại hiệu quả, đã được các đại biểu chia sẻ để mọi người tham khảo. Các đại biểu cũng cho rằng, người cán bộ khuyến học cần nghiên cứu, nắm chắc, hiểu sâu về tấm gương tự học, quá trình tự học, phương pháp tự học của Bác cũng như quan điểm, đường lối của Đảng và nhiệm vụ của Hội Khuyến học về xây dựng “Xã hội học tập”. Qua đó, để chính bản thân học Bác về tự học và học tập suốt đời, đồng thời có thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt nhiệm vụ xây dựng “Xã hội học tập” ở cơ sở./.

Trần Oanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN