Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Di sản văn hóa Champa - những báu vật vô giá

Thứ Năm, 29/08/2024 16:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nền văn hóa Champa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Từ những bức tượng đá chạm khắc tinh xảo trên đá sa thạch, đến những ngôi đền tháp cổ kính đến các bản khắc cổ kính, là nguồn cảm hứng lớn cho những người yêu mến và trân trọng vẻ đẹp văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2024), từ ngày 28/8/2024 đến tháng 10/2024, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam và Nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức trưng bày chuyên đề "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian". Trong khuôn khổ các hoạt động trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Lễ công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga. Đây là một hiện vật quý được Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ phối hợp với cảnh sát thành phố Luân Đôn (Anh) phát hiện và thu giữ được từ hoạt động mua bán cổ vật bất hợp pháp.

Tháng 8/2023, các cơ quan chức năng các nước bạn đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam và các đơn vị liên quan đưa tượng Nữ thần Durga về Việt Nam. Sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, ngày 21/2/2024, hiện vật quý này đã được vận chuyển từ Vương quốc Anh về Việt Nam, hiện nay được lưu giữ, giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 Các đại biểu cắt băng khai mạc chuyên đề "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian" ngày 28/8/2024 tại Hà Nội.
 Trong dịp này, TS. Hoàng Đạo Cương - Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã trao Bằng khen cho Nhà sưu tập Đào Danh Đức và bà Nguyễn Ngọc Thúy, những người đã có thành tích phối hợp đưa tượng Nữ thần Durga về Việt Nam.
 Bức tượng Nữ thần Durga là một hiện vật quý, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
 Theo thông tin từ kết quả đánh giá hiện trạng, xác định niên đại, nguồn gốc và giá trị hiện vật, bức tượng đồng Nữ thần Durga có 4 tay, nặng 101 kg, niên đại thế kỷ VII. Tượng có nguồn gốc từ Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật Champa.
 Trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian” được giới thiệu với công chúng qua hai phần nội dung: “Tượng và linh vật tôn giáo”; “Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc”.
Qua hai phần nội dung trưng bày, công chúng có dịp thưởng lãm hơn 60 tác phẩm điêu khắc chất liệu vàng, bạc và đá quý đặc sắc có niên đại từ thế kỷ XVII - XVIII thuộc nền văn hóa Champa. 

 Tượng bò thần Nandin chất liệu vàng, niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Hầu hết những ngôi đền thờ thần Shinva của người Chăm đều có tượng bò thần Nandin nằm phủ phục, chầu vào ngôi đền chính. Nandin là vệ sỹ canh bảo vệ linga của thần Shinva.

 Các hiện vật niên đại thế kỷ XVII - XVIII cho thấy hai tôn giáo là Ấn Độ giáo và Phật giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách văn hóa, nghệ thuật Champa.
 Phổ biến nhất trong di sản Champa là các tượng thần, Phật và linh thú, linh vật in đậm dấu ấn văn hóa Ấn Độ giáo và Phật giáo.
 Một số hiện vật giới thiệu tại chuyên đề "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian".
 .
 .
 .
 Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng quyền uy hoàng tộc và tôn giáo.
 Những hiện vật sử dụng trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng thần linh hoặc sử dụng trong hoàng tộc Champa, đều được thể hiện tinh vi với trình độ chế tác kim hoàn kỹ thuật cao, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
 Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn công chúng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
N Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN