Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Di sản văn hóa Bắc Bộ giữa dòng chảy thời gian

Thứ Hai, 26/08/2024 16:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

​(ĐCSVN) – Vùng đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của nhiều làng nghề cổ truyền, nơi lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa quý báu xa xưa như: làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh cho đến các làng nghề chạm khắc gỗ, rèn sắt, dệt chiếu... Các làng nghề là biểu tượng về sức sống, tinh thần lao động, sáng tạo bền bỉ của những nghệ nhân ở các ngôi làng có nghề truyền thống.

Thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có trên 5.400 làng nghề, riêng vùng Bắc Bộ chiếm phần lớn với khoảng 2.000 làng nghề. Các làng nghề truyền thống vùng Bắc Bộ lưu dấu dưới nhiều hình thức, ở nhiều lĩnh vực như gốm sứ, mây tre đan, dệt lụa, chạm khắc gỗ, làm nón và nhiều ngành nghề thủ công khác.

Điểm nổi bật ở các làng nghề ở Bắc Bộ đó là sự gắn kết với thiên nhiên và môi trường sống, thông qua việc lựa chọn nguyên liệu, nghệ thuật chế tác đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa, toát lên sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Những sản phẩm thủ công được làm ra không chỉ đẹp mắt mà còn mang trong mình bản sắc văn hóa vùng Bắc Bộ.

Trong bối cảnh hiện đại hóa và công nghiệp hóa, các làng nghề truyền thống đang giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đổi mới để thích ứng, vừa bảo tồn những giá trị cốt lõi. Các nghệ nhân tiếp tục là những chủ thể văn hóa, tiếp tục gìn giữ, trao truyền nghề truyền thống tới thế hệ trẻ, và lan tỏa niềm tự hào dân tộc qua từng tác phẩm thủ công mỹ nghệ.

Đồ chơi dân gian làng Liêu Xá

Nằm yên bình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Liêu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng với nghề làm đồ chơi Trung thu đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân nơi đây. Mỗi dịp đón Tết Trung thu, cả làng lại bừng lên sức sống với hình ảnh những người thợ miệt mài cắt, gọt, vẽ tay từng chiếc đèn ông sao, đầu lân, hay mặt nạ giấy bồi. Sự khéo léo và tâm huyết của các nghệ nhân dân gian ở Liêu Xá đã thổi hồn vào từng món đồ chơi dân gian, mang đến niềm vui cho biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Đồ chơi Trung thu Liêu Xá là những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những giá trị văn hóa dân gian, gợi nhớ về những mùa Trung thu, giản dị mà đong đầy ký ức.

 Nghệ nhân Vũ Huy Đông, làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, tỉnh Hưng Yên sản xuất đồ chơi dân gian.
Qua bao thăng trầm, người dân ở Liêu Xá vẫn gìn giữ nghề đồ chơi Trung thu, trở thành một điểm đến hấp dẫn để tìm hiểu về nghệ thuật chế tác thủ công dân gian của Việt Nam. 
 Nghề làm đồ chơi Trung thu không chỉ giúp phát triển kinh tế ở địa phương, mà còn phản ánh tình yêu với nghề cổ của cha ông, sự kế thừa đó đã cùng góp phần bồi đắp lịch sử, văn hóa ở vùng đất này.
 Mỗi mùa Trung thu, những người dân thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá lại lặng thầm làm ra những món đồ chơi dân gian. Từ ngôi làng cổ những món đồ chơi đến với trẻ em ở nhiều vùng miền cả nước, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những nét đẹp về văn hóa truyền thống.

Đại Bái - tâm huyết nghề đồng thau

Trong hành trình qua những ngôi làng Bắc bộ có nghề cổ, làng Đại Bái (Gia Bình - Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề đúc đồng. Một nghề đã tồn tại và phát triển ở làng từ thế kỷ XVII. Người thợ Đại Bái đã khéo léo kết hợp nghệ thuật và kỹ thuật để làm ra những sản phẩm đồng có giá trị thẩm mỹ cao, bền vững với thời gian. Những chiếc lư hương, chuông đồng, đến các bức tượng và đồ thờ tỉ mỷ trong từng chi tiết sản phẩm, đều chứa đựng tâm huyết, sức lao động, sáng tạo của người thợ. Tới làng Đại Bái, tiếng búa gõ, tiếng âm thanh thúc đồng vang vọng của người thợ ở đây, luôn hoà nhịp cùng cuộc sống yên bình, tạo nên nét riêng có ở làng nghề cổ xứ Kinh Bắc.

 Nghề đúc đồng không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở Đại Bái, còn là niềm tự hào của cộng đồng về việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã lưu truyền qua bao đời nay ở Đại Bái.
 Từ việc lưu truyền nghề qua nhiều thế hệ, người thợ đồng Đại Bái không ngừng lao động, sáng tạo, kết hợp giữa kỹ thuật cổ truyền và hiện đại, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, in đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
 Sự khéo léo và tinh thần giữ gìn tinh hoa nghề truyền thống đã giúp làng Đại Bái trở thành một điểm đến văn hóa quan trọng, thu hút nhiều người tìm hiểu và chiêm ngưỡng những tác phẩm đậm chất nghệ thuật dân tộc.
 Sản phẩm đồng làng Đại Bái.
 Các nghệ nhân không chỉ là người làm nghề mà còn là những "người thầy" truyền lửa cho thế hệ trẻ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển nghề truyền thống ở mỗi làng nghề.

Theo nghệ nhân làng nghề Nguyễn Văn Lục: Đất nghề để lại giá trị văn hóa, nên các cháu mới vào làm nghề có nhiều thuận lợi. Thế hệ trẻ nắm bắt nghề nhanh, tiếp thu những nét chạm khắc từ các thời vua trong lịch sử Lý - Trần - Lê, lấy được vốn quý của người xưa đưa vào các sản phẩm của làng nghề Đại Bái.

Gốm Bát Tràng - hành trình từ đất sét đến tinh hoa gốm Việt

Hà Nội đẹp và thơ mộng không chỉ có những con phố cổ, những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, còn có các làng nghề cổ truyền cùng kiến tạo nên nền văn hiến vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Theo thống kê Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố đã có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 1000 - 2500 tỷ đồng/năm.

Trong số các làng có nghề cổ ở Hà Nội, làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) là một đại diện tiêu biểu với nghề gốm cổ truyền. Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, từ lâu Bát Tràng đã trở thành một biểu tượng về nghệ thuật chế tác gốm của Việt Nam. Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, làng là nơi giữ gìn những giá trị truyền thống về nghề gốm. Mỗi sản phẩm gốm Bát Tràng đều trải qua bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, từ khâu tạo hình, trang trí cho đến việc nung gốm trong lò nhiệt độ cao, tạo nên những tác phẩm thủ công mỹ nghệ sắc sảo, tinh tế.

 Chế tác sản phẩm ấn gốm tại làng Bát Tràng.
 Đến làng Bát Tràng, ta không chỉ được chiêm ngưỡng sự kỳ công trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà còn cảm nhận được sự bình dị, yên bình của làng cổ Việt Nam.
 Qua bao thế kỷ, sản phẩm gốm Bát Tràng đang là minh chứng sống động về sức sống bền bỉ của làng nghề và sức sáng tạo, tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam.
 Bát Tràng còn là nơi các thế hệ nghệ nhân trao truyền nghề truyền thống tới thế hệ sau, cùng chung tay xây dựng, phát triển làng nghề. Tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ đó được thể hiện qua việc hỗ trợ nhau sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm…

Nghệ thuật dệt lụa từ tơ sen: Bản sắc độc đáo của làng Phùng Xá

Bên dòng sông Đáy hiền hòa, làng lụa Phùng Xá (Mỹ Đức - Hà Nội) - nơi hội tụ tinh hoa nghề dệt lụa. Qua hàng thế kỷ, những người thợ nơi đây vẫn duy trì, phát triển nghề làm lụa, đã tạo nên những tấm lụa mềm mại, óng ả, mang tâm hồn dân tộc, thẩm thấu sự khéo léo, tài hoa của người thợ làng Phùng Xá. Lụa Phùng Xá nổi tiếng bởi sự tinh tế trong từng đường nét, sự bền bỉ và độ mượt mà, thu hút người tiêu dùng. Hiện nay Phùng Xá không chỉ là nơi sản xuất lụa còn là một điểm đến văn hóa, nơi du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp dung dị của làng quê Việt Nam, và khám phá tinh hoa nghề dệt lụa từ tơ sen của người dân nơi đây.

 Nghệ nhân Vũ Thị Thuận làng Phùng Xá trong một công đoạn chế tác 
 Kỹ thuật lấy tơ từ cây sen để chế tác thành lụa của người thợ làng Phùng Xá.
 Tiếp nối những mạch nguồn văn hóa trên quê hương, những khung cửi ở làng Phùng Xá vẫn hoạt động, minh chứng cho sức sống của làng nghề thời hiện đại.
 Lụa tơ sen làng Phùng Xá.

Các làng nghề cổ của Việt Nam không chỉ là nơi gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống còn là một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Qua những bàn tay khéo léo và trí tuệ sáng tạo của những nghệ nhân, những nghề nghiệp bình dị trở thành di sản văn hóa sống động. Giá trị nổi bật của các làng nghề truyền thống là tài nguyên văn hoá giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển du lịch hay giúp bạn bè quốc tế tìm hiểu về những phong tục tập quán, vùng đất và con người Việt Nam. Qua những di sản vật thể, phi vật thể đó giúp thu hút khách du lịch, làm các sản phẩm du lịch thêm phong phú, đa dạng. Với sức sống mãnh liệt và giá trị văn hóa sâu sắc, các Làng nghề Bắc Bộ không chỉ kể chuyện về một thời đã qua mà còn viết tiếp những trang mới cho văn hóa Việt Nam, mang đậm hồn cốt dân tộc và bản sắc độc đáo.

N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN