“Dệt tình” nơi chợ tình Sa Pa
(ĐCSVN)- Tối 19 đến ngày 20/11/2021 diễn ra chương trình nghệ thuật “Dệt tình” tái hiện lại chợ tình Sa Pa. Đây là hoạt động mở màn cho các hoạt động du lịch văn hóa nằm trong không gian đặc biệt của Festival Tinh hoa Tây Bắc – Hương sắc Lào Cai năm 2021.
Chợ tình gồm rất nhiều hoạt động hấp dẫn. (Ảnh: Báo Văn hóa) |
Đây cũng là sự kiện mở đầu của ngành du lịch Lào Cai sau thời gian đóng băng vì tình hình dịch COVID-19. Chợ tình Sa Pa là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả nước ngoài. Khác với chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La) được tổ chức mỗi năm một lần, :"Chợ tình Sa Pa" diễn ra thường xuyên hơn vào tối thứ Bảy hàng tuần. Do đó từ cuối năm 2020, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức thử nghiệm việc tái hiện "Chợ tình Sa Pa" đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ và thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm và khám phá. Năm 2021, "Chợ tình Sa Pa" tiếp tục được tái hiện tại Nhà du lịch Sa Pa số 02 Fansipan, thị xã Sa Pa, với những khung cảnh không gian độc đáo hơn, các chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Dệt Tình” làm tô điểm thêm sự lãng mạn của những câu chuyện tình yêu sau mỗi phiên chợ, góp phần tái hiện những nét đẹp của "Chợ tình Sa Pa" xưa và nay giúp du khách có những trải nghiệm chân thực về phiên chợ tình, hiểu đúng về các giá trị văn hoá của nó.
"Chợ tình Sa Pa" sẽ diễn ra các hoạt động chính như đi chợ phiên, nơi tình yêu bắt đầu, hò hẹn, kéo vợ... cùng các hoạt động giao lưu múa sạp và đốt lửa trại đại chúng.
Theo truyền thống, trước đây vì giao thông đi lại khó khăn nên để kịp đến chợ phiên vào sáng chủ nhật, đồng bào phải đi từ chiều thứ 7, ngủ tại chợ vào buổi tối. Và tối thứ 7 trở thành ngày hội, khi người thân, bạn bè gặp nhau tâm tình câu chuyện bên chén rượu, chén trà. Các chàng trai cô gái thì làm quen, hẹn hò, tìm hiểu bằng tiếng khèn ngọt lịm khi trầm khi bổng, hòa quyện với tiếng đàn môi réo rắt, tiếng sáo trong trẻo. Thông qua tiếng sáo, tiếng khèn các chàng trai có cơ hội thổ lộ tình cảm với các cô gái. Khi đã cảm mến, họ trao nhau những ánh mắt lúng liếng, cái nhìn tình tứ. Cứ tự nhiên như vậy, tình yêu của các đôi trai gái nảy nở từ những phiên chợ. Phiên chợ này chưa tìm được người thương thì họ lại hẹn nhau phiên chợ sau.
Gọi là chợ thì ở đó phải có người mua, kẻ bán. Nhưng chợ tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Đơn giản đó là nơi giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu của các bạn trẻ. Xưa kia bản làng ở cách xa nhau, đi lại khó khăn nên cơ hội các chàng trai, cô gái gặp gỡ nhau rất ít. Họ chỉ có thể gặp nhau vào dịp phiên chợ cuối tuần. Sau một tuần làm việc vất vả, ai cũng mong chờ đến cuối tuần để được gặp người thương. Đây có thể nói là nơi khởi đầu, xây đắp tình yêu của các chàng trai, cô gái./.