Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!”

Thứ Sáu, 04/10/2024 17:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), từ ngày 8/10 - 31/12/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) sẽ diễn ra trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!".

Trưng bày “Bàng ơi!” giới thiệu câu chuyện về: Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò; Bàng nơi đảo xa; Bàng trong thơ ca, hội họa… Từ đó, giúp chúng ta thêm hiểu và yêu hơn loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng mát xanh. Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sỹ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.

 Một góc trưng bày "Bàng ơi!"

Trưng bày được chia làm 2 phần: "Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò" và "Bàng ơi!". Ở phần I: “Những cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò” đề cập đến các nội dung giới thiệu về những giá trị của cây bàng từ cây bàng hiệp sỹ là người bạn đồng hành, gắn bó mật thiết với đời sống tù chính trị; Gốc bàng nơi đặt hòm thư mật của tù nhân; Cành bàng rụng xuống, qua những bàn tay khéo léo đẽo, gọt đã trở thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ. Tù chính trị còn dùng vỏ bàng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả, lá bàng là nguồn dược liệu quý, quả bàng là “thần dược”, “nguồn vitamin”, là “thuốc bổ hồi sinh” đến chuyện cây bàng trong sân trại nữ do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng năm 2001.

Trong phần I còn đề cập đến những sản phẩm đặc trưng từ bàng. Đó là, những thức quà bàng trong các chương trình "Đêm thiêng liêng" được tổ chức tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, gồm: Trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, chè bất khuất, trà sữa thạch bàng; khung ảnh lá bàng in hình cổng chính Nhà tù Hỏa Lò; những lá bàng in thơ do các chiến sỹ cách mạng sáng tác…

Ở nội dung thứ II: "Bàng ơi!" giới thiệu những nét nổi bật của cây bàng trên đất nước Việt Nam, bàng trong thơ ca, nhạc, họa. Nổi bật nơi hải đảo xa xôi, bàng trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của tù chính trị Nhà tù Côn Đảo. Cùng với những cây bàng Côn Đảo, cây bàng vuông cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp, giá trị riêng có của bàng nơi biển xa, minh chứng cho sức sống của bàng nơi biển đảo: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Ngoài ra, Trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng, như: Mầm bàng xoắn ốc, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam (năm 2020)… Tất cả, tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của bàng.

 Du khách quốc tế tại Trưng bày "Bàng ơi!".

Điểm nhấn của trưng bày "Bàng ơi!" được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh - vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Pano trưng bày được thiết kế sáng tạo bằng những hình tròn với phần giao thoa tạo thành hình chiếc lá. Điểm nhấn trong Trưng bày là những cây bàng được minh hoạ theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Ngoài ra, khu vực khối chữ “BÀNG ƠI!” với kích thước nổi bật, màu sắc đan xen, sẽ là điểm chụp ảnh check-in thú vị cho du khách. Trong Trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hoả Lò, tạo nên một điểm nhấn thu hút.

Trưng bày ra mắt vào ngày 8/10 và kéo dài tới ngày 31/12/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.                                                                           

Tin, ảnh: Thanh Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN