Đề xuất thanh toán BHYT đối với dinh dưỡng trong điều trị
(ĐCSVN) - Đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn Thừa Thiên Huế) đề xuất nội dung trên tại phiên thảo luận tại Hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sáng 13.6.
Liên quan đến vấn đề về dinh dưỡng tiết chế trong điều trị ở Điều 73, đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho hay, việc đưa dinh dưỡng tiết chế xem như một phần của phương pháp điều trị là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Phần lớn các bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện có nguy cơ suy dinh dưỡng do tự túc dinh dưỡng gồm nhiều lý do: không am hiểu về dinh dưỡng trong điều trị, bệnh nhân ở nhà xa, không có điều kiện chuẩn bị một cách bài bản, khoa học, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bác sĩ điều trị là người chủ động chỉ định phối hợp chế độ dinh dưỡng với thuốc và các phương pháp điều trị khác để tăng cường hiệu quả điều trị, tiến tới chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế người nhà nuôi bệnh nhân trong bệnh viện có rất nhiều các bất lợi và là tồn tại ở phần lớn các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bảo hiểm y tế thanh toán với điều kiện có bổ sung thêm các đóng góp của bệnh nhân đối với mục này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp (Đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: QH. |
Về tuyến chuyên môn kỹ thuật. Điều 86 hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được chia thành 4 tuyến gắn với tuyến hành chính và được phân theo 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật cũ. Trong khi đó, Dự thảo Luật mới chia thành 3 cấp. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Như Hiệp chỉ ra, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
“Đề nghị cần phải có văn bản hướng dẫn đồng nhất phù hợp giữa hạng bệnh viện, tuyến, cấp, chuyên môn kỹ thuật để thuận tiện trong quá trình hoạt động của bệnh viện, đặc biệt là thanh toán chi phí bảo hiểm y tế”, đại biểu đề xuất.
Bên cạnh đó, theo đại biểu nên có hình thức luân chuyển, hoán đổi, cấp phép cho các vị trí nhân lực giữa tuyến trên và tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiết kiệm nguồn nhân lực. Ví dụ như y, bác sĩ thực hiện ở một bệnh viện tuyến trên thì vẫn có thể hành nghề ở bệnh viện tuyến dưới. Về việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật như vậy thì đảm bảo vừa tiết kiệm nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo được chuyên môn và nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ làm ở tuyến dưới./.