Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để xuất khẩu bền vững trái cây Việt!

Thứ Ba, 25/10/2022 16:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phải mất một quá trình nhiều năm thì một mặt hàng trái cây Việt Nam mới được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn. Tuy nhiên, để cho những “trái ngọt” này mang tính lâu dài và bền vững, chúng ta cần liên tục đáp ứng được các yêu cầu từ phía bạn và đặc biệt, cần ngăn chặn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng.

 Quả bưởi tươi của Việt Nam vừa được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu chính thức sang quốc gia này (Ảnh: LQ)

Mới đây, trái bưởi tươi của Việt Nam đã được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu chính thức vào nước này. Đây là trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Đây cũng là tin vui nối tiếp của ngành nông nghiệp khi trong tháng 7 vừa qua, trái sầu riêng của Việt Nam đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này.

Để có được những kết quả này, các đơn vị của Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp, các địa phương,…đã phải nỗ lực trong nhiều năm để đàm phán, chuẩn bị các thủ tục để các quốc gia chấp nhận cho phép nhập khẩu. Riêng đối với quả bưởi, theo Cục Bảo vệ Thực vật, để được Hoa Kỳ cho phép chính thức nhập khẩu từ tháng 10/2022, thì trước đó, từ năm 2016, Cục Bảo vệ Thực vật đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật. Sau đó, đến tháng 1/2017, Cục chính thức gửi Cơ quan kiểm dịch động-thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đề nghị và hồ sơ kỹ thuật. Từ tháng 12/2021-2/2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ lấy ý kiến rộng rãi; tháng 3/2022, APHIS kiểm tra vùng trồng và cơ sở xử lý. Từ tháng 2/2022-10/2022 hoàn thiện dự thảo điều kiện nhập khẩu và tới tháng 10/2022 mới công bố điều kiện nhập khẩu để cho phép xuất khẩu,…

Điều đó cho thấy, để xuất khẩu được một loại quả sang các thị trường phải tốn rất nhiều thời gian và công sức của nhiều đơn vị, các bên liên quan. Những kết quả đạt được cũng mở ra bức tranh tươi sáng cho nông sản Việt Nam khi từng bước được xuất khẩu chính ngạch sang các nước. Điều này càng thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu được sự rủi ro khi xuất khẩu tiểu ngạch, đồng thời, đóng góp vào gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, giúp nông dân yên tâm đầu tư canh tác, trồng trọt và có thu nhập ổn định. Mặt khác, việc được các thị trường khó tính cho phép nhập khẩu, càng góp phần nâng cao thương hiệu cho nông sản trái cây Việt Nam và nâng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Việc một số các loại trái cây của nước ta liên tục được các nước cho phép nhập khẩu chính thức là điều rất đáng vui mừng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại vấn đề, cần làm sao để việc xuất khẩu được lâu dài và bền vững, tránh các sự việc không đáng có, nhất là trong thời gian vừa qua, khi mới có tin được cho phép xuất khẩu, chúng ta đã thấy việc xuất hiện tình trạng mạo danh mã số vùng trồng. Nếu không ngăn chặn kịp thời những vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xuất khẩu các loại quả vừa được cho phép xuất khẩu.

Điển hình cho vấn đề này có thể thấy, khi trái sầu riêng vừa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch, đã có hiện tượng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu. Những thông tin này đã được báo chí phản ánh như: tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn có hai container hàng sầu riêng của một công ty (địa chỉ tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) không đạt điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, do chưa có giấy ủy quyền của vùng trồng mà Trung Quốc đã phê duyệt.

Theo giấy tờ do công ty này cung cấp thì mã số vùng trồng của lô hàng sầu riêng là VN-ĐLOR-0071. Đây là một trong số 16 mã số vùng trồng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, vùng trồng này của Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Trong khi đó, ông Lê Minh Tâm - giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc và Công ty TNHH TM nông sản Thiện Tâm (Tiền Giang) cho biết, hiện nay đang có tình trạng một số đơn vị mạo danh và tự ý lấy mã số vùng trồng của hợp tác xã, doanh nghiệp để làm thủ tục, hồ sơ xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, nếu để xảy ra tình trạng mạo danh, mượn mã số vùng trồng... mà phía bạn phát hiện vi phạm thì sẽ dừng ngay mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đó. Nếu vi phạm nhiều lần, phía bạn sẽ ngừng cả ngành hàng sầu riêng của Việt Nam.

Trước những vấn đề này, Bộ NN&PNTT đã từng có công văn chấn chỉnh việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã nêu lên thực trạng tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn còn tồn tại khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bố trí cán bộ đầu mối và có phương án chuyển giao khi có sự thay đổi vị trí công tác để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp và người sản xuất chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thực tế, để duy trì xuất khẩu một loại nông sản cần đáp ứng và duy trì rất nhiều các yêu cầu từ phía nước nhập khẩu, về kiểm dịch thực vật, yêu cầu mẫu mã, đóng gói,…Tuy nhiên, việc ngăn chặn việc mạo danh mã số vùng trồng là điều cần thiết và quan trọng để giảm thiểu các rủi ro cho xuất khẩu các mặt hàng này.

Để làm được điều này, đòi hỏi bản thân các chủ doanh nghiệp, người sản xuất có mã số vùng trồng cần tuân thủ đúng theo các yêu cầu của phía nước bạn trong đáp ứng vấn đề về mã số vùng trồng và tuyệt đối nói không với vấn đề “cho mượn” mã số vùng trồng, hoặc nếu thông qua các doanh nghiệp, cần có các văn bản ủy quyền.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lô hàng xuất khẩu, đảm bảo phát hiện những trường hợp vi phạm, tránh gây ảnh hưởng xấu cho xuất khẩu ngành hàng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần làm tốt công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng và có các chế tài để xử lý nghiêm các vi phạm, mang tính răn đe để tránh vi phạm.

Dư địa để trái cây Việt Nam nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung còn nhiều để có thể tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Do đó, để tạo điều kiện cho công tác này, việc ngăn chặn các hành vi mạo danh mã số vùng trồng là công tác cần thiết để góp phần đảm bảo sự an toàn cho các ngành hàng khi được xuất khẩu. Đây cũng là công tác cần được chú trọng để góp phần thực hiện mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2022 của ngành nông nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động phức tạp, căng thẳng tại nhiều khu vực./.

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN