Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất đúng đắn, phù hợp

Thứ Năm, 20/10/2022 10:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, thông tin Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/10 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là đề xuất đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn và mong mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

 Họp báo thông tin về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, lương cơ sở sẽ được đề xuất tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Dù mới chỉ là thông tin ban đầu xong nhiều cán bộ, công chức, viên chức khu vực công đã bày tỏ niềm vui, hy vọng đề xuất này sẽ sớm được chấp thuận và đi vào thực tế để kịp thời động viên cũng như giúp họ cải thiện đời sống. Chị Nguyễn Thu Hà, một giáo viên ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Tâm lý chung của mọi người đều mong muốn được tăng lương, nhất là viên chức trong ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng xa như tôi vì đặc thù công việc vất vả. Tăng lương cơ sở sẽ giúp chúng tôi có thêm thu nhập dù không nhiều nhưng cũng là sự động viên, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua”.

Thực tế, trong hơn 10 năm qua (từ tháng 5/2012 đến tháng 10/2022), mức lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công đã tăng 440.000 đồng, từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng. Lần tăng lương cơ sở gần đây nhất là ngày 01//7/2019. Từ đó đến nay, vì nhiều nguyên nhân, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên mức lương cơ sở vẫn được giữ nguyên trong hơn 3 năm qua. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ đối với đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước đây, mỗi lần điều chỉnh, lương cơ sở thường tăng 7 - 10%; trong lần đề xuất này, sau hơn 3 năm không được điều chỉnh, mức tăng lương cơ sở đề xuất là từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, tương đương khoảng 20,8% là tương đối phù hợp. Việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố, như tỷ lệ lạm phát; mức sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật… Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong đề xuất, tính toán các điều kiện cần thiết; đồng thời, cũng là sự cố gắng của Chính phủ trong cân đối ngân sách để có nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc tăng lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Các ý kiến cũng cho rằng, nếu bố trí được nguồn lực, nên cân nhắc tăng lương sớm ngay từ đầu năm 2023 vì hiện nay, giá cả những mặt hàng thiết yếu có xu hướng leo thang; ngoài ra, việc tăng sớm còn kịp thời động viên lực lượng cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, cũng như bù đắp cho họ phần chi phí sau thời gian chống dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, "Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan sẽ phải xem xét, đề xuất việc thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, thách thức cũng rất lớn đó là nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch và bắt đầu bước vào hồi phục kinh tế".

Tăng trưởng GDP quý 3/2022 của Việt Nam đạt khoảng 13,67%, đây là tiền đề để điều chỉnh mức lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Ảnh: VGP/Minh Ngọc.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế khả quan, việc tăng lương cơ sở là đề xuất đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, mức tăng cụ thể nên được tính toán, quyết định trên cơ sở nguồn thu ngân sách, nguồn lực quốc gia, và phải cân đối kỹ giữa đầu tư cho phát triển với đầu tư cho tiêu dùng, con người… Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 3/2022 của Việt Nam đạt khoảng 13,67%, tăng trưởng mạnh nhất ở khu vực châu Á. Nhờ đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ, đồng thời cũng là mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam, tính từ năm 2011 đến nay. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, mà còn là cơ sở quan trọng để Quốc hội quyết định phương án điều chỉnh mức lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khu vực công.

Đặc biệt, về lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính, để giảm bớt người hưởng lương từ ngân sách. Tập trung thực hiện chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới theo chủ trương của Bộ Chính trị. Đây là việc cần làm, và phải làm khẩn trương. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội khẳng định: “Tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, cách mạng 4.0 để sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh gọn, cắt giảm biên chế. Làm tốt công việc này là công cuộc cải cách tiền lương đã thành công được một nửa. Tiền tăng lương công chức, viên chức chính là ở đó". Tổ chức thực hiện việc tinh giản biên chế cần phải thực hiện trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cần hợp lý và quyết liệt. Cụ thể là cần sáp nhập những bộ phận hiện đang chồng chéo chức năng nhiệm vụ; đẩy nhanh tiến độ tư nhân hóa những dịch vụ công mà khối tư nhân làm tốt hơn, thuận lợi cho người dân hơn để giải thể một số bộ phận chức năng nằm trong các khu vực công, hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước…

Bên cạnh đó, cần chú ý tới việc sắp xếp lại vị trí, chức danh để trả lương theo vị trí việc làm. Đây là nội dung quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đồng thời, phải tập trung nguồn lực phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều hành của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi chỉ khi kinh tế phát triển, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nguồn thu từ thuế gia tăng thì Nhà nước mới có nguồn lực tài chính cần thiết để tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công./.

Vũ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN