Đề xuất các giải pháp góp phần đưa du lịch Bình Thuận ngày càng “xanh hóa”
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch; xu thế phát triển du lịch xanh, bền vững hiện nay; đồng thời, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển du lịch Bình Thuận ngày càng “xanh hóa” hướng tới phát triển bền vững…
Ngày 6/11, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững”.
Đây là dịp để Bình Thuận nhìn nhận, đánh giá lại điều kiện phát triển du lịch xanh, bền vững; đề xuất một số mô hình du lịch xanh; tiếp thu ý kiến tham vấn, chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia. Từ đó, tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch xanh trong những năm tiếp theo.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch; xu thế phát triển du lịch xanh, bền vững hiện nay; đồng thời, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển du lịch Bình Thuận ngày càng “xanh hóa” hướng tới phát triển bền vững…
Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững”. |
Đánh giá về tiềm năng du lịch, Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, Bình Thuận là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Nơi đây cũng được xác định là trung tâm năng lượng quốc gia, có nền tảng tốt để khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là nền tảng để thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế cả nước.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì, sáng tạo liên tục. Trước hết, chính quyền địa phương phải xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường. Các bên liên quan cần quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, lãnh đạo Trung ương, địa phương cần ban hành chính sách phù hợp “tiếp sức”, khuyến khích tinh thần chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, chính quyền và doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các thương hiệu điểm đến để phát triển du lịch xanh hiệu quả...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh đã và đang đẩy mạnh chính sách “xanh hóa”, trong đó, chú trọng ngành du lịch. Với quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, năm 2023, Bình Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Từ đó, tạo tiền đề phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn liền với yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế, chuyển đổi số nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng nhanh chóng với xu thế toàn cầu.
Trong 10 tháng qua, Bình Thuận đón hơn 8,1 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu ước đạt 20.886 tỷ đồng.../.