Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong doanh nghiệp

Thứ Sáu, 29/09/2023 17:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp, tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Tọa đàm "Hợp tác giữa các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy Kinh doanh có trách nhiệm: thực tế và cơ hội" đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự. Tọa đàm do ECUE với sự hỗ trợ của UNDP và Chính phủ Thụy Điển tổ chức, nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm tại Việt Nam trong những vấn đề cụ thể như điều kiện lao động, lương tối thiểu, chế độ an sinh, lao động trẻ em, chống phân biệt đối xử trên cơ sở giới, khuyết tật, hoặc tuổi.

 Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội thu hút đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế tham dự (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện ECUE khẳng định, trong những năm gần đây, thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm là một trong những vấn đề quan trọng đối với chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, giai đoạn 2023-2027. Cùng với tiến trình này, các tổ chức xã hội được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, tư vấn và giám sát để cùng doanh nghiệp và nhà nước thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam, góp phần nâng cao sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư có trách nhiệm.

Đồng quan điểm trên, đại diện UNDP cho rằng, để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, điểm mấu chốt chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được hiểu là mang tính khuyến khích; còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như: người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó tuân thủ quy định pháp luật liên quan chỉ là yêu cầu tối thiểu. Cụ thể, thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần: nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Chia sẻ về mô hình thực tiễn trong thúc đẩy kinh doanh bao trùm và có trách nhiệm, đại diện Oxfam Việt Nam đã giới thiệu về ứng dụng Rice Hero, đo phát thải CO2 ngành lúa gạo, một công cụ xác định lượng phát thải KNK cho từng công đoạn của quá trình sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, trong đó chỉ ra đây như một ví dụ điển hình về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hải đến từ Viện Quyền con người cho rằng, doanh nghiệp Việt đang có thuận lợi trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong chuỗi cung ứng và để thực thi hiệu quả thì cần có năng lực, nguồn lực tài chính và không gian an toàn.

 Các diễn giả chia sẻ, thảo luận trong khuôn khổ Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Trong khuôn khổ Tọa đàm, thảo luận về kinh nghiệm thực tế, thách thức và cơ hội trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, dưới sự điều hành của ông Lê Quang Bình, các diễn giả gồm: Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới chủ, VCCI thành phố Hồ Chí Minh; Trần Thị Hà Bình  Giám đốc nhân sự cao cấp, Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam; Nguyễn Dũng Tiến, Trưởng nhóm Dịch Vụ của BetterWork tại Hà Nội; Đinh Hà An, Quản lý chương trình kinh doanh có trách nhiệm, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI); Phạm Đình Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi (Regent Garment) đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi và thống nhất cao rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp,  tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.

 

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN