Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để Tết Trồng cây thực sự có hiệu quả

Thứ Tư, 02/03/2016 18:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết Trồng cây”, trồng cây đầu xuân đã trở thành một phong trào rộng khắp với sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt thì vẫn còn ở không ít nơi, việc trồng cây mỗi dịp xuân về dường như vẫn mang nặng tính phong trào, hình thức.

Cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Chính trị tích cực hưởng ứng “Tết Trồng cây”. Ảnh minh họa QĐ

56 năm trước, mùa xuân năm Canh Tý (1960), nhân phong trào thi đua mừng xuân, mừng Đảng 30 tuổi, trên cơ sở tập quán thích trồng cây của nhân dân, Bác Hồ đã phát động “Tết Trồng cây” tại Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Buổi sáng ngày 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng bào Thủ đô tiến hành trồng cây, chính thức mở đầu cho phong trào “Tết Trồng cây” trên khắp miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Người căn dặn:

"Mùa Xuân là Tết Trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"(1)

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ đó đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc lại nô nức tổ chức “Tết Trồng cây đời đời ơn Bác”. Tết Trồng cây đã thực sự trở thành một ngày hội lớn với nhiều ý nghĩa. Phong trào trồng cây gây rừng đã có sức lan tỏa rộng khắp trong cuộc sống, được đông đảo nhân dân các địa phương, các cấp, các ngành tích cực tham gia hưởng ứng; qua đó có ý nghĩa quan trọng trong góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Hiện nay, bình quân hàng năm, nước ta trồng được khoảng 200 nghìn ha rừng tập trung và hàng chục triệu cây phân tán các loại. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, riêng năm 2015, các địa phương trong cả nước đã trồng được hơn 230 nghìn ha rừng và trên 54 triệu cây phân tán; trong đó, có nhiều loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả... Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Tết Trồng cây không chỉ là nét văn hóa nhân văn trong những ngày đầu xuân mà còn có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo; cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai; hạn chế tác động tiêu cực từ việc biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tổ chức Tết Trồng cây tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị đang dần có chiều hướng mang tính hình thức mà hiệu quả không cao. Ở một số nơi, việc phát động Tết Trồng cây được tổ chức rầm rộ, phô trương song công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh lại không được coi trọng. Hậu quả là cây trồng chưa được bao lâu thì đã... héo từ gốc lên đến ngọn(?!). 

Cũng có địa phương do quy hoạch tổng thể trồng cây xanh chưa tốt nên trồng cây được một thời gian lại phải chặt bỏ để lấy đất thực hiện dự án khác; hay hiện tượng hàng loạt cây xanh bị chặt bỏ để trồng thay thế, do trước đó, việc lựa chọn chủng loại cây thiếu khoa học. Ở tầm vĩ mô, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ở nhiều nơi thực hiện chưa có hiệu quả nên diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng có xu hướng thu hẹp dần. Những tồn tại kể trên đã và đang gây ra những hạn chế không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả phong trào “Tết Trồng cây” tại nhiều địa phương trên cả nước.

Thực tế gần 60 năm qua cho thấy, tổ chức tốt phong trào “Tết Trồng cây” là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị nhằm hướng đến mục đích lớn nhất là vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu cùng những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình thời tiết, việc trồng cây gây rừng gắn với đẩy mạnh phong trào “Tết Trồng cây” vì vậy càng trở lên có ý nghĩa quan trọng, cấp bách.

Để “Tết Trồng cây” đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực, vấn đề quan trọng đầu tiên đặt ra đối với các địa phương, các cấp, các ngành là: Cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân có thể nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng. Cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục, tránh biểu hiện chỉ tập trung tuyên truyền khi tổ chức Tết Trồng cây. Thông qua tuyên truyền, phải nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và từng cá nhân trong tham gia Tết Trồng cây cũng như tích cực chăm sóc, bảo vệ cây xanh đúng theo lời căn dặn của Bác Hồ: “Trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng nhiều mà không bảo vệ và chăm nom cây” (2).

Cùng với đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng bám sát đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Việc trồng cây cần gắn với triển khai thực hiện các kế hoạch trồng, bảo vệ rừng như: Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Kế hoạch trồng rừng thay thế... Cần chú trọng xác định địa điểm trồng cây, trồng rừng; chủng loại cây xanh dự kiến trồng..., bảo đảm khoa học, phù hợp.

Hàng năm, việc phát động Tết Trồng cây phải căn cứ vào tình hình thực tế của cơ sở, tránh những hiện tượng phô trương, hình thức, người tham gia nhiều mà lượng cây trồng được lại ít.

Qua việc tổ chức Tết Trồng cây phải tạo được phong trào mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục và tạo bước chuyển biến mới theo phương châm: “Thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm”. Cần có kế hoạch vận động, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay, việc tổ chức Tết Trồng cây, trồng rừng cần phải gắn với thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, các địa phương có rừng thì phải kết hợp Tết Trồng cây với trồng, bảo vệ rừng; lựa chọn những loại cây lâm sản có giá trị. Tại các địa phương khác, với diện tích cây ăn quả, cần nghiên cứu có kế hoạch, quy hoạch phù hợp và có định hướng để bảo đảm hiệu quả kinh tế theo hướng tạo ra các sản phẩm thế mạnh, xây dựng các vùng chuyên canh...

Bên cạnh đó, để Tết Trồng cây đạt hiệu quả, cây trồng phát triển tốt, có tỷ lệ sống cao, việc tổ chức trồng cây cũng cần lựa chọn thời điểm thời tiết thuận lợi; lựa chọn giống cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương gắn với bố trí hợp lý những vị trí trồng cây như: Đất trống trong các cơ quan doanh nghiệp, trường học; diện tích đất ven đường, dọc bờ sông; các khu vực đất trống, đồi trọc; các diện tích rừng phòng hộ... Đồng thời, chú ý phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh cho các tổ chức, các lực lượng, các tổ dân cư và từng hộ gia đình; kịp thời biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác trồng cây gây rừng.

Có như vậy, việc tổ chức Tết Trồng cây mới thực sự có ý nghĩa và mang lại cho xã hội những hiệu quả thiết thực, bền vững./.

Chú thích:

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 9, tr.453

(2), Sđd, tập 10, tr.110

Tạ Quang Đạo (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN