Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để người dân không còn sản xuất thực phẩm “bẩn”

Thứ Năm, 31/03/2016 09:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đã đến lúc phải đánh thức lương tri, đạo đức của người dân để nâng cao nhận thức: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch là việc làm có ý nghĩa sống còn với mỗi con người và quốc gia; ngược lại, gian dối trong an toàn vệ sinh thực phẩm là hành vi phải bị lên án và xử lí thích đáng.

Lực lượng công an bắt giữ số lượng lớn da trâu, da bò bẩn. Ảnh hanoimoi.com.vn

Dư luận đã rất nhiều lần hoang mang khi người tiêu dùng phát hiện gạo tẩm hóa chất bảo quản, cá mực khô làm bằng cao su, rau tắm thuốc trừ sâu, hoa quả tẩm thuốc kích thích… Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cũng từng “lạnh xương sống” khi hay tin có cơ sở đã ngâm chuối xanh vào thuốc diệt cỏ. “Đọc thông tin cơ sở ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để bán mà tôi thấy lạnh xương sống. Đây là việc quá độc ác, tôi không thể tưởng tượng được” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Điều đáng bàn là tình trạng sản xuất, kinh doanh rau quả, thịt cá… “bẩn” đó hiện nay hầu hết diễn ra phổ biến, công khai ngay tại các thôn xóm, khu dân cư. Hàng xóm biết, thậm chí cả làng đều biết song lại không ai lên án, tố giác.

Câu chuyện đào mồ chôn lợn chết đem về làm giò chả mà báo chí đã từng phản ánh là một minh chứng. Chị Nguyễn Thị Hoa ( Đội 5, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) chăm bẵm được con lợn to, định đến sát Tết Bính Thân sẽ bán. Bỗng nhiên con lợn lại chê cám rồi ốm lăn lóc. Vài hôm sau, con lợn nổi mụn đỏ khắp mình và chết. Biết lợn chết vì bệnh nên gia đình chị đành cắn răng đem đi chôn, không dám mổ thịt. Nhưng hai ngày sau lại có người đến hỏi thăm năn nỉ chị cho biết chỗ chôn con lợn chết. Người này chính là chủ cơ sở chuyên làm giò chả ở chợ xã. Chị Hoa giật mình nghĩ đến những miếng giò chả, gia đình hay ăn lâu nay, chắc cũng từng chế biến từ thịt lợn chết bệnh đã đem chôn? Lương tâm thức tỉnh, chị nhất quyết không chỉ chỗ chôn lợn. Chị cho biết, ở làng chị,  rất nhiều người vừa bán vừa cho khi lợn bị ốm hoặc chết. Nhưng khi được hỏi, biết rõ thư thế, sao không báo cho cơ quan chức năng? Chị Hoa ngập ngừng: Xưa nay tôi chưa thấy ai ở làng này đi tố cáo người bán thịt lợn ốm chết cả. Người làng người xã làm thế khó nhìn mặt nhau lắm.

Trong sản xuất rau quả cũng vậy. Những người trồng rau ở cùng làng đều biết rõ hộ bên cạnh mới phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích đã đem rau đi bán nhưng chẳng ai lên án, tố cáo ai cả. Có lẽ vì nó đã quá phổ biến, đã thành lệ làng mất rồi.

Trước khi viết bài này, phóng viên đã có dịp về Sơn Tây (Hà Nội) tìm hiểu mô hình trồng rau của một số gia đình. Trong bữa cơm, chủ nhà rất mến khách, không quên nhấn mạnh lời mời: Chú cứ ăn đi, rau sạch đó, yên tâm. Và thật bất ngờ, khi hay biết, nhà nào trồng rau chuyên nghiệp ở đây cũng có vài sào rau nhưng rau sạch thì mỗi nhà chỉ có một luống, để… nhà ăn và đãi khách. Những người trồng rau ở đây đều biết những hộ cùng làng phun thuốc gì, tưới phân gì nhưng chẳng ai lên án ai. 

Như  vậy, vô tình chung, họ đang tiếp tay cho việc đầu độc người tiêu dùng, những người vốn không thể tự trồng được rau sạch, nuôi được lợn sạch, gà sạch… Vậy mà bao năm nay, người ta vẫn liên tục tăng năng suất, tăng thu nhập bằng cách tẩm thuốc hóa học, bơm thuốc tăng trưởng, chất tạo nạc cho cây trồng vật nuôi. Người ta đang đua nhau sản xuất, kinh doanh nhưng là sản xuất kinh doanh trái với truyền thống đạo đức văn hóa của dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi nói về giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đã cho rằng, sản xuất thực phẩm sạch có thể xem như là việc làm mang ý nghĩa quốc gia. Ngược lại, sản xuất kinh doanh thực phẩm “bẩn” chính là hành vi đầu độc giống nòi người Việt, bởi khi ăn phải những thực phẩm  đó,  người ta sẽ không chết ngay nhưng nó ủ trong cơ thể đến một ngày nào đó mới bị ung thư, bị giảm sút sức khỏe nhanh chóng...

Thực tế cho thấy, số người bị bệnh ung thư ở nước ta đã ở mức rất báo động, với 150.000 người mới bị ung thư mỗi năm và 75.000 người chết/năm vì căn bệnh này. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh chết người này là do ăn phải thực phẩm “bẩn”. Mà thực phẩm bẩn ở đâu ra, từ chính dân ta mà ra. Thế là dân ta đang hại dân mình.

Với khoảng 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ thuốc nhà ai người nấy phun, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành, kể cả cán bộ thú y mới có khoảng 1.300 người.

Muốn đấu tranh với tình trạng sản xuất kinh doanh thực phẩm “bẩn”, điều cốt yếu nhất chính là đánh thức lương tri, đạo đức của chính người dân để nâng cao nhận thức: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch là việc làm có ý nghĩa sống còn với mỗi con người  và quốc gia; ngược lại, gian dối trong vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi phải bị lên án và xử lí thích đáng.

Trong chiến tranh, biết ra trận có thể chết nhưng quân và dân ta vẫn hăng hái tòng quân. Sản xuất thực phẩm an toàn đang được coi là việc làm mang  ý nghĩa quốc gia, đáng hăng hái lắm chứ? Thiết nghĩ khi tinh thần này được phát huy, người dân sẽ tự động thực hiện và còn giám sát lẫn nhau để cùng sản xuất thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng. Đó cũng là cách thi đua yêu thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thiết thực cần được quan tâm phát động./.

An Luých (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN