Đề nghị tiếp tục chi 1.155 tỷ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
(ĐCSVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề nghị cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng cho hơn 414 nghìn người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH vừa thừa ủy quyền Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau ngày 31/12/2021 (thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động) vẫn còn hơn 414 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg (nộp hồ sơ đề nghị chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021) nhưng chưa được chi trả với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng.
Một số nguyên nhân khiến số lao động trên dù nộp hồ sơ đúng thời hạn nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ như: Người lao động kê khai sai thông tin số tài khoản, không liên lạc được…; người lao động có diễn biến quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp phức tạp, nhân thân chưa chính xác…; lao động phát sinh khó khăn trong việc xác định rõ đối tượng hỗ trợ, cơ sở để xác định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước…
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Thông báo kết luận cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH ngày 24/9/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với nội dung: Cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng cho hơn 414 nghìn người lao động đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ theo quy định. Thời hạn thực hiện chi trả là 01 tháng, kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc cho phép tiếp tục chi trả đối với người lao động đáp ứng đủ điều kiện và nộp hồ sơ đúng thời hạn theo quy định không ảnh hưởng tới mục tiêu của Nghị quyết nhằm tiếp tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đối tượng thụ hưởng của chính sách vẫn giữ nguyên, không thay đổi theo quy định trong Nghị quyết nên không nhất thiết phải thực hiện sửa đổi Nghị quyết theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, trường hợp thực hiện sửa đổi Nghị quyết sẽ cần thời gian nhất định để đánh giá tác động, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, thẩm tra tính khả thi…. Mặt khác, theo ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội nêu tại Công văn số 1305/TTKQH-XH ngày 01/8/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kèm theo dự thảo Nghị quyết hoặc dự thảo Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Chính phủ đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng thời hạn quy định
Về cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi tiếp tục thực hiện chi trả, Bộ LĐ-TB&XH cho biết kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31/12/2021 là 61.459 tỷ đồng, dự toán thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 21.880 tỷ đồng, dự toán chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 25.585 tỷ đồng. Nếu tiếp tục chi trả cho người lao động đủ điều kiện và nộp hồ sơ đề nghị theo đúng quy định với số tiền khoảng 1.155 tỷ đồng thì dự kiến tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 26.740 tỷ đồng, kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2022 là 56.599 tỷ đồng. Như vậy, sau khi tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động thì kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn vì vẫn cao hơn 2 lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp người lao động đã đề nghị hưởng đúng thời hạn quy định đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và đề cao nguyên tắc chia sẻ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự công bằng tương đối giữa những người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ đã tuân thủ đúng các quy định của chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp - là “giá đỡ cho người lao động gặp khó khăn”. Từ đó, khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Sau khi kết thúc chi trả hỗ trợ cho người lao động, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.