Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề nghị thu phí cơ sở hạ tầng để điều tiết phần giá trị gia tăng thêm từ đất

Thứ Tư, 30/08/2023 15:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa), cần có chính sách thu phí cơ sở hạ tầng để thể chế hóa chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm theo Nghị quyết 18. Số tiền thu được có thể dùng để tăng chi hỗ trợ cho những người có đất bị thu hồi và để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới.

Sáng 30/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) cho rằng, việc thu hồi đất và bồi thường, tái định cư có ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích của người dân. Thực tế, những vướng mắc và bất cập trên thực tế đã diễn ra nhiều năm qua, tình trạng khiếu kiện về đất đai cơ bản vẫn chiếm đa số. Để hạn chế tình trạng này cũng như bảo đảm quyền lợi người dân cần thiết phải có chính sách bền vững, một khuôn khổ để có kết quả tổng dương, mang lại lợi ích cho chủ sử dụng đất nhưng không làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. 

Do đó, đại biểu đề nghị cùng với những trường hợp liệt kê thu hồi đất bắt buộc, cũng cần liệt kê cụ thể các trường hợp phải thực hiện thỏa thuận theo Điều 127. Bởi vì, 2 phương án tại Điều 127 vẫn chưa thực sự rõ ràng và chưa thực sự thỏa đáng.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) 

Ở góc độ khác, theo đại biểu, cùng với chính sách thu hồi đất, cần có chính sách thu phí cơ sở hạ tầng để thể chế hóa chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm theo Nghị quyết 18.

Đại biểu phân tích, đây là một loại phí thu đối với chủ sử dụng đất do đất đã tăng giá trị đầu tư nhờ cơ sở hạ tầng do Nhà nước thực hiện. Phí cơ sở hạ tầng được áp dụng cho cơ sở hạ tầng giao thông, tiếp theo là các tiện ích và các không gian công cộng. Với chính sách này, chủ sử dụng đất phải trả phí cho cơ sở hạ tầng công cộng mà họ được hưởng lợi trực tiếp. Bởi lẽ, việc xây dựng hạ tầng thường do Nhà nước thực hiện và không phải là kết quả của đầu tư tư nhân. "Thực tế nhiều dự án nhà ở đã hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư của Nhà nước và cơ sở hạ tầng. Người mua nhà thường gián tiếp phải trả do giá nhà tăng theo những tiện ích công cộng đó. Tuy nhiên người hưởng lợi không phải Nhà nước mà chỉ là các chủ đầu tư dự án" - đại biểu phân tích.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ để xác định khu vực mà chủ sử dụng đất được coi là hưởng lợi từ các công trình công cộng và phải trả phí. Thực tế, rõ nhất là những khu đất trong ngõ trở thành những nhà mặt đường lớn sau khi Nhà nước đầu tư mở đường giao thông. Số phí phải nộp có thể được tính toán dựa trên tỷ lệ chi phí đầu tư hạ tầng hoặc trên mức tăng giá trị đất thực tế hoặc dựa vào chính bảng giá đất do chính quyền địa phương ban hành trên cơ sở so sánh vị trí đất cũ và vị trí đất mới.

Đại biểu cho rằng, khoản phí này có thể thanh toán một lần hoặc phải nộp trong khoảng thời gian nhất định để có thể được chuyển nhượng và được cấp phép xây dựng các tòa nhà trên cơ sở khu đất. Số tiền thu được có thể dùng để tăng chi hỗ trợ cho những người có đất bị thu hồi và để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới.

Toàn cảnh phiên họp sáng 30/8 

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là chế định được Nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều nhất, với hơn 1,2 triệu lượt ý kiến. Khoản 3 Điều 91 dự thảo luật quy định "người có quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản gắn liền với đất thì được bồi thường thiệt hại", tuy nhiên dự thảo luật lại chưa xác định việc bồi thường thiệt hại này được thực hiện theo quy định của pháp luật nào. Trên thực tế, khi Nhà nước thu hồi đất thì đối với tài sản trên đất như nhà cửa, cây cối, hoa màu là tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất thì việc bồi thường đối với những tài sản này phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự chứ không thể áp dụng phương pháp hành chính như đối với đất. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện theo pháp luật dân sự để vừa bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất, vừa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (ĐoànTP Hà Nội) bày tỏ quan tâm vấn đề thu hồi đất đối với một số dự án bị tắc nghẽn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án. Đại biểu nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể./.

Minh Duyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN