Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề nghị mở rộng khái niệm nhà giáo

Thứ Sáu, 22/06/2018 16:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Một số đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề mở rộng khái niệm nhà giáo khi góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về khái niệm nhà giáo, Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 70 về khái niệm nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, giữ vị thế quan trọng trong xã hội và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) - trên thực tế, ngoài những người đã được nêu trong dự thảo thì lĩnh vực giáo dục còn có đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và họ thường là những giáo viên giỏi được lựa chọn để làm cán bộ quản lý.

Sau khi chuyển từ giáo viên sang làm quản lý, họ không được coi là nhà giáo và không được hưởng chính sách của nhà giáo. Từ đó dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý giáo dục khó có thể tuyển dụng được giáo viên giỏi về công tác tại cơ quan mình.

Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung khái niệm nhà giáo bao gồm cả những cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đồng thời có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chính sách về đãi ngộ, đào tạo và bồi dưỡng.

Về chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, đại biểu Lã Thanh Tân đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị Ban soạn thảo cần bám sát Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng để thể chế hóa vào luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương. Từ đó, đề nghị cần quy định trong luật một số quy định mang tính nguyên tắc để thể hiện sự ưu đãi của nhà nước đối với nhà giáo, có như vậy mới thu hút được người giỏi vào làm nhà giáo cũng như giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị, cần mở rộng khái niệm nhà giáo bao gồm những cán bộ quản lý giáo dục, vì thực tế đội ngũ này đa phần là từ những giáo viên giỏi được tuyển chọn sang làm quản lý. Việc này để huy động được cán bộ quản lý từ đội ngũ giáo viên giỏi đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đồng thời bảo đảm để cán bộ quản lý được hưởng các chế độ, chính sách dành cho nhà giáo./.

Hiếu Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN