Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề nghị kịp thời truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Thứ Năm, 09/11/2017 14:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo kịp thời truy tố, xét xử đối với những tội phạm bạo lực với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là những vụ án nổi cộm gây bức xúc trong dư luận và những vụ án tồn đọng, kéo dài.

Toàn cảnh phiên họp sáng 9/11. (Ảnh: KT)

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 4,Quốc hội khóa XIV sáng nay 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phiên họp này được tường thuật trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi và giám sát.

Sẽ trình Bộ luật Lao động sửa đổi vào năm 2019

Trước khi Quốc hội tiến hành thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Theo báo cáo, công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Bình đẳng giới đã dần trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội với nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế đánh giá và ghi nhận. Kết quả thực hiện bình đẳng giới trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và những khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Ủy ban CEDAW)...

Tuy vậy, công tác bình đẳng giới cũng còn nhiều tồn tại.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành với 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm cụ thể hóa mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới theo quy định của Điều 4 Luật Bình đẳng giới. Tuy vậy, chỉ có 8 chỉ tiêu dự kiến đạt theo yêu cầu của Chiến lược đề ra vào năm 2020; 2 chỉ tiêu thực hiện nhiệm kỳ 2016-2021 không đạt; một số chỉ tiêu đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng khó có khả năng thực hiện.

Trong báo cáo đầy đủ của Chính phủ gửi đến các vị đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện một số chỉ tiêu.

Trong đó, với chỉ tiêu “Hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ), báo cáo nêu rõ: Một trong những hạn chế là chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng là 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng) .

Mặt khác, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề trong thị trường lao động hiện nay, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp chủ yếu do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều cách khác nhau như: Chuyển người lao động lớn tuổi sang vị trí công việc khác không phù hợp với khả năng hoặc mở các đợt kiểm tra, sát hạch hoặc thậm chí yêu cầu tăng năng suất lao động để buộc người lao động phải tự bỏ việc. Trong khi đó, ở độ tuổi sau 35, việc học nghề đối với lao động nữ gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy, phần đông lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định.

Vấn đề này đang được các cơ quan Chính phủ nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, khách quan, khoa học để sớm có những chính sách về quản lý lao động, giải quyết việc làm nhằm tránh những hệ lụy của tình trạng này. Trước mắt, tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, đồng thời nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đặc biệt, tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cho biết sẽ chính thức trình Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi vào năm 2019.

Đề nghị kịp thời truy tố, xét xử những tội phạm xâm hại trẻ em

Từ thực tế trên, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội  chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, trong đó chú trọng việc bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Đẩy mạnh các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng  các luật.

Quan tâm và dành tỷ lệ kinh phí phù hợp cho công tác bình đẳng giới trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách nhà nước.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nội dung, thời điểm triển khai báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới theo quy định tại Điều 25 Luật Bình đẳng giới, Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và địa phương tổng hợp, báo cáo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động truy tố, xét xử; kịp thời truy tố, xét xử đối với những tội phạm bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là đối với những vụ án nổi cộm gây bức xúc trong dư luận và những vụ án tồn đọng, kéo dài./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN