Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để mạch nguồn văn hoá chảy mãi

Thứ Năm, 07/09/2023 08:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nếu phát huy tốt vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số thì mạch nguồn văn hóa dân tộc sẽ còn chảy mãi, trở thành sức mạnh nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đầu tư và tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa văn hóa các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà tình trạng mai một, biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang diễn ra phổ biến ở các dân tộc thiểu số.

Âm nhạc, vũ đạo, trang phục vốn được coi là bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Đàn tính tẩu của người Tày, Thái; đàn T’rưng, cồng chiêng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; khèn của người Mông… là những nhạc cụ điển hình của từng dân tộc, nhưng hiện nay còn rất ít dân tộc lưu giữ được.

Những điệu múa sạp, múa chiêng của đồng bào Mường, Thái; múa trống, múa xúc tép của dân tộc Cao Lan; múa chèo thuyền, múa hoa sen của đồng bào Khmer Nam bộ - những di sản văn hóa tinh thần đặc biệt của các dân tộc nhưng đang dần ít xuất hiện.

Đứng trước hiện trạng trên, trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/QH14 của Quốc hội có đặt một mục tiêu: phấn đấu đến 2025, “50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng”.

Triển khai tinh thần của Nghị quyết 88/QH14, trong Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có nội dung: “Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Bên cạnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với lĩnh vực bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số thì vai trò chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Bởi đồng bào chính là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, trao truyền và phát huy nền văn hóa dân tộc.

Câu chuyện của Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp và Câu lạc bộ Nghệ thuật dân ca Thái ở Bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho thấy, nếu phát huy tốt vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số thì mạch nguồn văn hóa dân tộc sẽ còn chảy mãi, trở thành sức mạnh nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra.

Với ông Lương Văn Nghiệp, những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái đã ngấm vào huyết quản 
Song cũng bởi nỗi lo văn hóa của dân tộc mình bị mai một, lãng quên vì bọn trẻ bây giờ phần nhiều thích những dòng nhạc sôi động, không còn mặn mà với dân ca truyền thống nên ông đứng lên thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật dân ca Thái bản Cằng 
Thành viên tham gia CLB gồm đủ thành phần, lứa tuổi, từ cán bộ xã, người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh đến thanh, thiếu niên… 
Dù khác nhau về tuổi tác, công việc nhưng điểm chung ở họ là tình yêu văn hoá dân tộc, không muốn dân ca, nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình bị thất truyền 
Ông Nghiệp tích cực sưu tầm những điệu múa, bài hát và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái và trực tiếp dàn dựng, tập luyện cho các thành viên CLB 
Từ khi có câu lạc bộ, phong trào văn hóa văn nghệ của bản Cằng phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào 
Đồng thời trở thành nòng cốt đoàn nghệ thuật quần chúng của xã Môn Sơn, của huyện Con Cuông tham gia các cuộc liên hoan, giao lưu, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2015, CLB Dân ca Thái bản Cằng được chọn là mô hình cấp tỉnh; ông Lương Văn Nghiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, được UBND tỉnh Nghệ An khen thưởng 
Môn Sơn là xã đặc biệt khó khăn, đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều thiếu thốn. Vì vậy, phát huy vai trò chủ động của đồng bào trong việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc cũng như tự làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần như cách làm của ông Nghiệp và đội văn nghệ bản Cằng là rất đáng khuyến khích, nhân rộng 
Phóng sự ảnh: Hòa Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN