Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để “lá phổi xanh” luôn thân thiện với con người!

Thứ Sáu, 13/05/2016 10:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nguồn lực tài chính, các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội dù bảo đảm tính khoa học, thực tiễn mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ và bất biến vẫn là trách nhiệm ứng xử với môi trường của cơ quan quản lý và ý thức của người dân.


      Hiện tượng tảo chết, bốc mùi hôi thối trên mặt nước hồ Ngọc Khánh sẽ hết sau hơn 1 tháng?
 (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Không gian Hà Nội đã rộng hơn sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính. Hà Nội rộng hơn, các dự án bất động sản trong và ngoài nội đô cũng  nhiều hơn, phải tính bằng con số hàng trăm...

Nhiều khu đô thị mới hình thành, sức ép dân số ngày càng tăng, buộc Hà Nội phải có chiến lược bảo vệ “lá phổi xanh”, thông qua hệ thống công viên, ao, hồ... Phát triển kinh tế phải gắn kết với việc bảo vệ môi trường, đó không phải là khẩu hiệu, chủ trương, mà đã được luật hóa.

Theo con số thống kê, Hà Nội hiện có hơn 110 ao, hồ lớn nhỏ. Ao, hồ không chỉ có chức năng tiêu thoát nước, mà còn tạo ra cảnh quan đô thị, không gian xanh để bảo vệ môi trường.

Những năm qua, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, nhưng nỗi lo về môi trường, đặc biệt là những “lá phổi xanh” vẫn đầy ắp tính thời sự. Cuối năm 2015, qua khảo sát, đánh giá về 30 hồ của Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng đưa ra những con số: 5 hồ được đánh giá không ô nhiễm; 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm; 8 hồ ô nhiễm nặng; 6 hồ ô nhiễm rất nặng.

Những con số mà Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng khảo sát, đánh giá dù chưa phản ánh đầy đủ, nhưng cũng là sự cảnh báo mà cơ quan quản lý cần có giải pháp ứng xử ngay để môi trường không là lực cản cho sự phát triển.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã chú trọng đầu tư để thực hiện dự án  cải tạo hạ tầng khu vực hồ và xử lý ô nhiễm nước hồ. Quyết tâm thì lúc nào cũng “rực cháy”, nhưng ngặt một nỗi nguồn lực tài chính lại... hữu hạn. Không giống như các dự án BOT giao thông, dự án cải tạo hồ chủ yếu từ vốn ngân sách, vì việc kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư rất khó khăn do chưa định lượng được cơ chế thu phí khi cải tạo hồ.

Thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện dự án cải tạo hồ là sự thật, nhưng cũng có một sự thật khác là hiệu quả của dự án sau khi được cải tạo. Dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình, là một minh chứng rõ nhất. Dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành gần hết các hạng mục. Tuy nhiên,  hơn 1 tháng qua, những người dân sống quanh hồ đã không thể chịu được mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ hồ nước.

“Sự cố” hồ Ngọc Khánh sau khi được cải tạo, hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau: Do hệ thống nước thải của khu dân cư chưa được xử lý,  “vô tư” thải ra hồ; do cách thức thực hiện dự án ; do sự phát triển của tảo lục, mà hồ nào cũng “ mắc” phải trong một thời gian ngắn sau khi cải tạo.

Câu trả lời chính thức về “sự cố” hồ Ngọc Khánh, có lẽ phải đợi thêm thời gian. Điều muốn nói sau “sự cố” này là giải pháp nào để các hồ được cải tạo thực sự hiệu quả, thân thiện với môi trường, con người.

Giải pháp cải tạo hồ đã từng là chủ đề tranh luận của giới khoa học. Tuy nhiên, số đông vẫn đồng thuận phương án: Sử dụng “công nghệ sinh thái" như xử lý nước hồ bằng vi sinh vật hoặc các thực vật thủy sinh như cỏ nến, rong đuôi chó, chuối hoa, thủy trúc…

Cùng với “công nghệ sinh thái”, giới khoa học còn đưa ra “quy chuẩn” mỗi quận, cụm dân cư cần có trạm xử lý nước sinh hoạt; các cơ sở sản xuất, bệnh viện nhất thiết phải có trạm xử lý nước riêng và điều quan trọng là hệ thống xử lý nước phải hoạt động thực sự.

Nguồn lực tài chính, các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội dù bảo đảm tính khoa học, thực tiễn mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ và bất biến vẫn là trách nhiệm ứng xử với môi trường của cơ quan quản lý và ý thức của người dân.

Ai cũng biết môi trường quan trọng với trái đất và con người thế nào, nhưng trong từng hành động cụ thể (có thể là vô ý) cũng có thể gây ra “sự cố” về môi trường.

Cuộc sống cần rất nhiều thứ, nhưng sự an toàn về môi trường luôn “chung thủy” với con người mọi lúc, mọi nơi./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN