Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để không còn xe tự chế

Thứ Bảy, 14/05/2022 08:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xe tự chế tham gia giao thông đương nhiên là mất an toàn, khi gây tai nạn khó xử lý, không chỉ tốn kém thời gian, tài sản của xã hội, mà trên hết là tính mạng con người. Thời gian gần đây, nhiều người đã phải mang thương tật suốt đời, thậm chí bỏ mạng… vì những tình huống trớ trêu của loại phương tiện này.

Quá nhiều sự việc tương tự đã xảy ra như ở Yên Bái, Quảng Nam rồi đến Đồng Nai hay Trà Vinh, Hà Nội...

Quay trở lại câu chuyện chiếc xe ba bánh tự chế chở theo bó sắt xây dựng di chuyển ngược chiều trên đường Nguyễn Trãi, hướng từ quận Thanh Xuân đi quận Hà Đông, thành phố Hà Nội thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe buýt số 88 thuộc xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội trong điều kiện đường vắng, trời sáng sớm. Cú va khiến chiếc xe ba bánh "gắn chặt" vào đầu xe buýt, những thanh sắt chọc thủng kính chắn gió và một phần đầu của xe buýt. Rất may tài xế xe buýt kịp thời thoát khỏi cabin nên thoát nạn.

Nhiều thông điệp đã được truyền tải, nhấn mạnh bấy lâu nay như “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người mọi nhà”…, nhưng phải thừa nhận một thực tế là câu hỏi đặt ra luật pháp có liên quan đã đủ tính răn đe…, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng có đủ quyết tâm và thời gian để xử lý vấn đề nêu trên, và ý thức của người tham gia giao thông, lại chưa có lời giải thực sự tâm phục, khẩu phục.

Hiện trường vụ xe ba bánh tự chế chở thép xây dựng đi ngược chiều xuyên thủng kính xe buýt xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội rạng sáng ngày 08/5/2022 (Ảnh: Hoàng Long) 

Dư luận xã hội bấy lâu nay thực sự lo lắng về tình trạng xe tự chế hai, ba bánh gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông thương tâm có liên quan trực tiếp tới xe chuyên chở cọc tre, thép xây dựng, kính, cây gỗ...

Từ nông thôn đến thành thị, cùng với “ra đường sợ nhất công nông...” thì nay nhiều người sợ thêm xe chở tôn, cũng như xe chở các loại vật liệu cồng kềnh, có thể gọi chung là "hung thần đường phố". Không chỉ hàng cồng kềnh, rất nhiều người điều khiển xe tự chế luôn mặc định cho mình có "quyền" đi nghênh ngang, lạng lách, đánh võng, vi phạm nghiêm trọng các quy định trong luật an toàn giao thông đường bộ (an toàn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường…).

Điều đó cho thấy sự nguy hiểm vẫn luôn trực chờ gây tai họa cho người đi đường bởi cảnh sát giao thông cũng như các cơ quan chức năng vẫn còn thờ ơ, chưa quyết liệt trong việc ngăn cấm, xử phạt nặng tay đối với các loại phương tiện cồng kềnh nguy hiểm lưu thông trên đường.

Sau vụ việc đáng tiếc nêu trên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Công an thành phố nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị đối với người, phương tiện tham gia giao thông; xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với xe thô sơ, xe ba bánh, xe tự chế hoạt động trên địa bàn thành phố gây mất trật tự, an toàn giao thông.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các phương tiện vận tải tự chế; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.

Hồi chuông báo động vẫn đang liên tục gióng lên, mỗi lúc một vang hơn, to hơn tới lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan chức năng trong vấn đề thực thi pháp luật thật nghiêm, để hạn chế tối đa xảy ra các tai nạn đau lòng.

Đâu đó lực lượng chức năng dường như ít quan tâm, xử lý những trường hợp vi phạm này. Có lẽ xuất phát từ việc coi xe tự chế chủ yếu là cần câu cơm của những người lao động vất vả nắng mưa, vì mưu sinh nên dễ nhận được sự thông cảm! Trong khi Điều 16 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bình đẳng trước pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản, được thể chế hóa trong nhiều văn bản.

Thậm chí, xem ra mức phạt tối đa 6 triệu đồng được quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 16 Mục 3 Chương II Nghị định 46/2016/NĐ-CP (ngày 26 tháng 5 năm 2016) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông, bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông) quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe với cả chủ phương tiện (cá nhân/doanh nghiệp) và người điều khiển phương tiện, kể cả áp dụng ác hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 đến 3 tháng.

Thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc cần đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Pháp luật cũng cần tăng khung hình phạt và mở rộng đối tượng xử lý là chủ thuê chuyên chở vật tư, vật liệu..., thậm chí xử phạt nặng các cơ sở có hành vi sửa chữa, chế tạo nâng cấp các loại xe tự chế là nguồn gây hiểm họa trên những cung đường, tuyến phố./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN