Đề cao vai trò của cộng đồng trong nỗ lực loại bỏ dịch bệnh AIDS
(ĐCSVN) – Ngày Thế giới Phòng chống AIDS, được tổ chức hàng năm vào ngày 1/12, là dịp để mọi người trên khắp thế giới đoàn kết, cùng thể hiện sự ủng hộ đối với những người đang phải sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng như tưởng nhớ những người đã tử vong vì dịch bệnh. Từ đó nâng cao nhận thức, thúc đẩy các hoạt động đầu tư cho việc điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Năm 2023 đánh dấu lần thứ 35 Ngày Thế giới phòng chống AIDS được tổ chức. Mặc dù trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành quả tích cực, giúp chúng ta hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một nối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và cần tới sự chung tay của cả cộng đồng.
Ngày Thế giới Phòng chống AIDS (1/12/2023): “Hãy để cộng đồng dẫn đầu”
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu đã đề ra, chúng ta cần đặt các nỗ lực trọng tâm vào chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống AIDS 2023 “Hãy để cộng đồng dẫn đầu”. (Ảnh: unaids) |
Thế giới có thể chấm dứt bệnh AIDS, cùng với sự dẫn đầu của cộng đồng. Đó chính là lý do vì sao Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm nay (1/12/2023) có chủ đề “Hãy để cộng đồng dẫn đầu”. Hơn cả việc ghi nhận, tôn vinh những thành tựu của cộng đồng, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay còn là lời kêu gọi hành động để tạo điều kiện và hỗ trợ cộng đồng trong thực hiện vai trò lãnh đạo của họ.
Tuy nhiên, nhiều cộng đồng đang bị hạn chế năng lực lãnh đạo do tình trạng thiếu kinh phí, các rào cản về chính sách và quy định... Đây cũng là nguyên nhân cản trở tiến độ của các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV. Nếu những trở ngại này được loại bỏ, các tổ chức do cộng đồng lãnh đạo có thể được thúc đẩy một động lực to lớn hơn nữa cho hoạt động ứng phó toàn cầu, thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh AIDS.
Nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã công bố những con số đáng khích lệ, khi số ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm gần 70% kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2004, trong khi số ca nhiễm HIV mới đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo, dịch bệnh AIDS vẫn đang từng phút cướp đi sinh mạng con người.
“Chúng ta có thể và cần phải chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030” – ông Guterres nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đặt các nỗ lực trọng tâm vào chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống AIDS “Hãy để cộng đồng dẫn đầu”.
Con đường chấm dứt dịch bệnh AIDS nằm ở xuyên suốt các cộng đồng, bao gồm việc kết nối mọi người với phương pháp điều trị, dịch vụ và hỗ trợ mà họ cần, đến việc thúc đẩy hoạt động tích cực ở cơ sở để tất cả mọi người có thể nhận ra quyền về sức khỏe của họ.
“Hỗ trợ những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại bệnh AIDS là cách chúng ta giành chiến thắng. Điều đó có nghĩa là đặt vai trò lãnh đạo cộng đồng vào trung tâm của các kế hoạch, chương trình, ngân sách và nỗ lực giám sát HIV” – ông Guterres nói.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, để hiện thực hóa được các mục tiêu trên, chúng ta cần dỡ bỏ các rào cản đối với sự lãnh đạo của cộng đồng và đảm bảo không gian cho các nhóm xã hội dân sự ở địa phương tiếp tục thực hiện các công việc quan trọng của họ.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng nhấn mạnh tới vấn đề ưu tiên hiện nay đó là nguồn tài trợ. Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nêu rõ, hoạt động ứng phó với dịch bệnh AIDS ở các nước thu nhập thấp và trung bình đang cần thêm hơn 8 tỷ USD mỗi năm để có thể được triển khai đầy đủ. Điều này cũng cần phải bao gồm việc tăng cường tài trợ cho các chương trình địa phương do người nhiễm HIV dẫn đầu và các sáng kiến phòng ngừa do cộng đồng lãnh đạo.
“Dịch bệnh AIDS có thể bị đánh bại. Hãy hoàn thành công việc bằng cách hỗ trợ các cộng đồng chấm dứt mối đe dọa này ở các khu vực lân cận, quốc gia của họ và trên toàn thế giới” – ông Guterres nói.
WHO kêu gọi các can thiệp do cộng đồng lãnh đạo để loại trừ HIV/AIDS ở Châu Phi
Ảnh minh họa: UNDP |
Trong thông điệp phát đi nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm nay, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – bà Matshidiso Moeti cũng chia sẻ quan điểm cho rằng, việc hiện thực hóa mục tiêu loại bỏ HIV/AIDS ở Châu Phi vào năm 2030 sẽ phụ thuộc vào sự tăng cường hỗ trợ cho việc can thiệp phòng ngừa và điều trị do cộng đồng lãnh đạo.
Theo bà Moeti, vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của cộng đồng là công cụ giúp giảm nhiễm HIV và tử vong ở châu Phi thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức mạnh mẽ, tiếp cận điều trị suốt đời và chống lại sự kỳ thị.
“Trong những ngày đầu ứng phó với dịch bệnh, các cộng đồng đã lên tiếng để chống lại sự im lặng và kỳ thị. Họ đi đầu trong cuộc chiến chống phân biệt đối xử… Họ là những người ủng hộ vận động để tăng khả năng tiếp cận với liệu pháp và chăm sóc bằng thuốc kháng vi-rút, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau” – bà Moeti nói.
Từ lập luận trên, bà Moeti kêu gọi các nước châu Phi tạo ra một môi trường thuận lợi để tôn trọng và bảo vệ các quyền, đồng thời thúc đẩy sự công bằng và chăm sóc toàn diện khi các cộng đồng địa phương đảm nhận trách nhiệm xóa bỏ HIV/AIDS ở lục địa này. Bà lưu ý rằng, vai trò của cộng đồng không chỉ bó hẹp trong việc vận động mà còn bao gồm việc giám sát các biện pháp can thiệp có tác động cao nhằm loại bỏ đại dịch.
Bà Moeti kêu gọi trao quyền cho các cộng đồng địa phương để ràng buộc trách nhiệm của nhà lãnh đạo, đồng thời kiểm soát các vi phạm đã làm suy yếu cuộc chiến chống AIDS ở châu Phi.
"Hãy để cộng đồng dẫn đầu. Chúng tôi cần lắng nghe tiếng nói của họ nhiều hơn, thừa nhận chuyên môn của họ và lôi kéo vai trò của họ vào việc ra quyết định ở mọi cấp độ" – quan chức của WHO nói. Cũng theo bà Moeti thì các nhóm nhân khẩu học dễ bị tổn thương gồm thanh niên và những người sử dụng ma túy cần được được tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm, phòng ngừa, điều trị và chăm sóc có chất lượng và giá cả phải chăng./.