Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề cao tính nhân văn trong xử lý người chưa thành niên

Thứ Bảy, 08/06/2024 12:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo các đại biểu Quốc hội, cần thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên, hạn chế những biện pháp trừng phạt; đề cao tính nhân văn.

Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

Dự thảo Luật bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) linh hoạt, phù hợp với từng NCTN. Theo đó, bổ sung nguyên tắc khi áp dụng biện pháp XLCH phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên và sự an toàn của bị hại, của cộng đồng.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang), đây là quy định cần thiết và tiến bộ, có thể khắc phục những bất cập của quy định hiện hành. Đại biểu chỉ ra, quy định hiện nay chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm của NCTN phạm tội. Một số hình phạt chưa có sự phân hóa giữa NCTN và người trưởng thành; mức hình phạt tù áp dụng với người chưa thành niên còn quá nghiêm khắc…Đặc biệt, thủ tục tố tụng đối với NCTN chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý và nhân văn.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: TH.

Đánh giá cao nhiều biện pháp XLCH mới được bổ sung như: hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; quản thúc tại gia đình..., đại biểu cho rằng những biện pháp này sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình XLCH để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục NCTN.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nhận định,  dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính nhân văn, nhân đạo đối với NCTN phạm tội.

Về 12 biện pháp XLCH, đại biểu đánh giá đây là điểm tiến bộ so với Bộ luật hình sự hiện hành. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan tố tụng lựa chọn áp dụng phù hợp nhất với đối tượng NCTN, bởi mỗi NCTN đều có hoàn cảnh gia đình, mức độ vi phạm khác nhau.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần mở rộng các trường hợp được áp dụng chuyển hướng để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành XLCH. Qua đó, vừa bảo đảm mục tiêu lấy giáo dục, giúp đỡ NCTN phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu an toàn cho cộng đồng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý NCTN hạn chế những biện pháp trừng phạt; đề cao tính nhân nhân văn" như: quan điểm, mục đích xử lý cần chuyển từ thiên về trừng phạt sang thiên về giáo dục, cảm hóa; chuyển từ việc áp dụng và thi hành các chế tài thiên về cách ly khỏi xã hội sang áp dụng nhiều hơn các chế tài giáo dục tại cộng đồng, trong xã hội; tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, cải tạo nhằn tăng tính tự giác, tự nguyện…để NCTN phạm tội tự giác, tự nguyện nhận thức được sai trái của hành vi để tiến bộ hơn.

Nhận định dự thảo luật đã đưa ra định hướng áp dụng giảm nhẹ hình phạt, chế tài nhân đạo hơn với NCTN, như: Hình phạt tối đa giảm hơn ở một số tội, mở rộng diện người phạm tội được xử lý chuyển hướng... song đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cũng lưu ý, việc giảm nhẹ cần cân nhắc đến tác động xã hội, bởi còn có ý kiến cho rằng nếu áp dụng các biện pháp xử lý nhẹ hơn thì có nguy cơ xu hướng lợi dụng chính sách để phạm tội. Thực tế tình trạng NCTN phạm tội đang nhức nhối. Việc chuyển hướng cũng rất lưu ý, vì phạm tội về an ninh quốc gia, khủng bố thì có chuyển hướng hay không?. Do đó, cần đánh giá rất kỹ vì đây là thay đổi lớn về chính sách hình sự.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại tổ. Ảnh: TH. 

Phát biểu tại tổ, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước về quyển trẻ em. Tuy nhiên, ASEAN chỉ có 2 nước chưa có đạo luật riêng áp dụng cho NCTN trong đó có Việt Nam, dù có khoảng chục đạo luật khác nhau đề cập đến việc này.

Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội rằng nhân văn quá với các cháu thì có thể dẫn đến việc lạm dụng chính sách, tỷ lệ tội phạm NCTN có nguy cơ gia tăng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, dự thảo luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên Hợp Quốc, với nhiều quy định tiến bộ, vừa nhân văn vừa nghiêm khắc.  Thực tế nhiều nước nghiên cứu cho thấy, áp dụng biện pháp chuyển hướng, đưa các cháu khỏi nhà tù thì tỷ lệ phạm tội giảm khoảng 80%.

Cũng theo Chánh án, hình phạt hiện nay với NCTN không hợp lý, quá nặng với các cháu. Nếu áp dụng như người lớn thì đặt các cháu vào tình trạng rất căng thẳng, do đó không được giam giữ như người lớn, phải có trại giam riêng. Bên cạnh đó, quyền của NCTN phải được bảo đảm như quyền chơi, quyền tiếp cận thông tin…

“Chuyện đánh nhau, ăn cắp vặt…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tư pháp chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam”, Chánh án nói./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN