Đê bao chống lũ Quảng Điền (Đắk Lắk) đang bị sạt lở nghiêm trọng
(ĐCSVN) - Dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên, công trình đê bao chống lũ Quảng Điền (Đắk Lắk), được đưa vào sử dụng chưa lâu thì nhiều đoạn đã bị xuống cấp, sạt lở, hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng dự án.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công trình đê bao chống lũ Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Công trình được đầu tư xây dựng từ năm 2009, nằm trên địa bàn bốn xã: Bình Hòa, Đur Kmăn, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, với mục tiêu chống lũ tiểu mãn và lũ đầu vụ cho 1.780 héc ta, đồng thời cấp nước tưới cho 1.255 héc ta lúa nước; kết hợp phát triển thủy lợi với giao thông, phát triển nông thôn...
Đê bao Quảng Ðiền được phê duyệt tại Quyết định số 979/QÐ-UBND ngày 22-4-2009 của UBND tỉnh Ðắk Lắk. Ðây là công trình thủy lợi cấp IV do Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ngoài kiên cố hóa toàn bộ tuyến đê gồm cả tuyến kênh tưới trên đê và bờ bao với tổng chiều dài 42,62km, bề rộng mặt đê 3m, bờ bao 3m, hệ số mái 1,5m, công trình còn nâng cấp mặt đường cho các tuyến giao thông nằm trong vùng dự án với tổng chiều dài 13 km, đi qua các xã: Bình Hòa, Dur Kmăl và Quảng Ðiền. Công trình được chia thành 5 gói thầu, trong đó, gói thầu số 1 hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2012; các gói 2,3,4 hoàn thành năm 2014; còn lại gói số 5 đang làm thủ tục quyết toán công trình.
Ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cho biết: Công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa và cấp nước tưới cho 1.255 ha lúa nước, ổn định đời sống, sản xuất cho hơn 1.800 hộ dân, với 9.000 nhân khẩu. Hơn 3.000 ha lúa nước trong vùng dự án trước đây chỉ sản xuất một vụ với năng suất từ 6 đến 7 tấn/ha, nay thành vựa lúa nước sản xuất hai vụ với năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt trong đợt mưa lũ kéo dài vào cuối tháng 11-2016 đã khiến toàn bộ hệ thống đê bao Quảng Ðiền xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn trên dọc tuyến đê bao bị nước thấm làm lỏng thân đê và sạt lở nặng, mặt đường bị rạn nứt, sụt lún..., trong đó, có nhiều đoạn bị sạt lở nguyên cả mái ta-luy kéo dài hàng trăm mét.
Cụ thể, tại khu vực cầu Sắt đến cống tiêu C10 dọc theo suối Krông Diêk, xã Dur Kmăl, bị sạt lở cả mái ta-luy dài 300 m; tại cầu Bàu Gai 2, xã Bình Hòa bị sạt lở dài 100 m. Ðáng chú ý, trên địa bàn xã Quảng Ðiền có 12km tuyến đê bao đi qua nhưng có đến 26 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Ðiền Lê Văn Kiên bày tỏ lo lắng: Qua khảo sát, trên hệ thống đê bao chống lũ đoạn qua địa bàn xã hiện có hàng chục điểm bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Trong những năm qua, để bảo đảm việc sản xuất và đi lại của người dân. Hằng năm, sau mỗi mùa mưa lũ, UBND xã sử dụng một phần ngân sách địa phương và huy động các hợp tác xã cùng nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để sửa chữa hệ thống đê bao này. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, địa phương chỉ sửa chữa nhỏ, trong khi đó hệ thống đê bao này ngày càng xuống cấp, sạt lở nặng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hương Niê - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana cho biết: Hệ thống đê bao Quảng Ðiền bị xuống cấp, hư hỏng, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là trận lũ lớn kéo dài vào cuối năm 2016 đã nhấn chìm toàn bộ hệ thống đê bao này trong một thời gian dài khiến nước thấm vào thân đê, làm lỏng chân đất dẫn đến sạt lở, sụt lún. Nguyên nhân chủ quan là do tình trạng khai thác cát trên sông Krông Ana diễn ra trong một thời gian dài đã làm thay đổi dòng chảy một số đoạn. Nước sông ăn sâu vào đất liền gây sạt lở bờ sông, làm sạt lở chân đê bao. Ngoài ra, hệ thống đê bao này còn là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhân dân vận chuyển vật tư, lương thực, nông sản với lưu lượng phương tiện nhiều, cho nên ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình... Để sửa chữa, gia cố những khu vực sạt lở cần khoảng 26 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí quá lớn đối với một huyện còn gặp nhiều khó khăn như Krông Ana.
Vì vậy, các ngành chức năng tỉnh Ðắc Lắc cần sớm có biện pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Ana; đồng thời có giải pháp huy động các nguồn lực sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê bao để bảo vệ diện tích sản xuất, hoa màu, tài sản cũng như bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng dự án./.