Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Thứ Bảy, 15/07/2023 17:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Nghị quyết số 82/NQ-CP đã chỉ ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho ngành du lịch để phát triển bền vững. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp này đòi hỏi sự hợp lực của các cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp.

Đầu tư cho hoạt động xúc tiến

Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo ra đột phá trong việc phát triển du lịch cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023, qua đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Nghị quyết đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Đồng thời, phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

 Nhờ những chính sách thông thoáng, khách quốc tế đến Việt Nam ngày một tăng. (Ảnh minh họa: HT)

Để thực hiện tốt nhóm giải pháp này, Chính phủ giao từng nhiệm vụ cho các bộ, ngành; trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Hiện nay, Cục đã tham mưu, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 82. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ “Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch”, sau khi triển khai thực hiện, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi. Phát triển, xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành du lịch, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, hỗ trợ địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch; ứng dụng công nghệ số, tổ chức các hoạt động e-marketing du lịch. Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, sẽ có những kế hoạch dài hơi và các việc làm hết sức cụ thể để thực hiện Nghị quyết 82. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tập trung tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) tại Cần Thơ 2023 từ 1 – 3/12 để thúc đẩy phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, phát triển các sản phẩm sinh thái độc đáo của khu vực này làm điểm nhấn của Du lịch Việt Nam năm 2024.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì định kỳ hằng năm tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội và 2 năm một lần tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Tăng cường nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung Hội chợ và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khác theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến du lịch để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, địa phương và các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia.

Các địa phương “vào cuộc”

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP, các địa phương đã lên kế hoạch hành động và triển khai mạnh mẽ các chương trình phát triển kinh tế xanh.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: "Đây là một trong những nghị quyết cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột của thành phố và Đà Nẵng cũng xác định du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế nên chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết này đến cộng đồng doanh nghiệp. Ngành du lịch Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các hành động cho Nghị quyết này bằng việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch địa phương thiết kế, định hướng hệ sinh thái sản phẩm mới phù hợp với cấu trúc ngành đã thay đổi cơ bản sau đại dịch. Qua đó chuẩn bị các nhóm sản phẩm hướng đến nhu cầu chuyên sâu, nhỏ lẻ, tăng trải nghiệm, tăng giá trị cho du khách. Cụ thể 5 trụ cột sản phẩm đã được Đà Nẵng xác định là: sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản kết nối với Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam; du lịch MICE vì Đà Nẵng đã 2 lần được công nhận là Điểm đến lễ hội, sự kiện hàng đầu Châu Á; tập trung vào sản phẩm du lịch đô thị với tư cách Đà Nẵng là đầu tầu kinh tế của miền Trung và cuối cùng là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, xác định các thị trường mới, thị trường tiềm năng để xúc tiến nhanh, mạnh và sâu rộng vào các thị trường này. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường an ninh, an toàn, thân thiện".

Các điểm đến làng nghề của Hà Nội thu hút đông đảo du khách tham quan trải nghiệm. (Ảnh: HT)

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Du lịch Thủ đô xác định tập trung cho một số nhóm sản phẩm tạo điểm nhấn riêng biệt, trong đó tiếp tục ưu tiên phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa, ưu tiên phát triển các dịch vụ gia tăng trải nghiệm như tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến làng nghề, di tích văn hóa; mở rộng tuyến xe buýt 2 tầng kết nối khu vực nội thành với các điểm đến khu vực ngoại thành.

Theo kế hoạch, Sở Du lịch Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển du lịch golf kết hợp du lịch MICE, bằng cách phối hợp với Hiệp hội Du lịch golf, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng và phát triển 1-2 sản phẩm tour, tuyến du lịch golf hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh; phát triển các sản phẩm du lịch thể thao gắn với các giá trị tài nguyên tự nhiên…

Chọn bứt phá bằng công nghệ, thời gian qua, ngành du lịch Ninh Bình đã xây dựng và phát triển các trang tin điện tử tổng hợp phục vụ cho công tác quản lý và quảng bá du lịch; khai thác khá hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, Zalo, Google map với tên gọi chung "Ấn tượng Ninh Bình" để du khách dễ dàng định vị được thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Đặc biệt, Ninh Bình cũng tận dụng công nghệ trong xây dựng phần mềm ứng dụng du lịch thông minh “Ninhbinhtourisminfo” nhằm tăng khả năng tương tác trên không gian số, giúp du khách cập nhật nhanh chóng, tiện lợi thông tin về các điểm đến của địa phương để có lựa chọn tối ưu.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Ứng dụng "NinhBinhTourismInfo" dành riêng cho du khách khi trải nghiệm du lịch tại Ninh Bình, nhằm kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước tại Ninh Bình sẽ giám sát, điều hành, tương tác với du khách và các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Cùng với các “điểm nóng” du lịch cả nước, trong giai đoạn tới, ngành du lịch Ninh Thuận cũng sẽ tập trung phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ; tập trung kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới lạ, sản phẩn du lịch bổ trợ mang nét đặc trưng riêng của Ninh Thuận và có khả năng cạnh tranh cao.

H.Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN