Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ Sáu, 19/08/2016 09:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 18/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tham dự có lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng trọng điểm và đại diện các bộ ngành liên quan.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chủ trì hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Ảnh: Trường Hoàng)


Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hạt nhân là TP.Hồ Chí Minh hội đủ các điều kiện, lợi thế để phát triển dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc kết nối vùng trước hết là kết nối giao thông là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc kết nối hiện nay còn nhiều hạn chế, còn tùy theo lợi ích của địa phương vì thế chưa phát huy hết thế mạnh của việc liên kết cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng, của từng địa phương.

Bên cạnh đó, trong công tác điều hành, quản lý về liên kết vùng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó việc chưa có cơ chế điều hành chung dễ dẫn đến phân tán, tản mạn theo lợi ích của từng địa phương. Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đề nghị làm sao sau buổi họp này phải có những dự án được triển khai cụ thể. Chẳng hạn TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh sẽ triển khai nâng cấp Quốc lộ 22, đồng thời thực hiện cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Hay Bình Dương triển khai nhanh  Quốc lộ 13, Long An triển khai Quốc lộ 50 nối với Tiền Giang...

Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương đã nêu thực trạng chung là việc kết nối giao thông vùng hiện có nhiều dự án giao thông nhưng phần lớn các dự án đang triển khai dang dở hoặc không triển khai được vì không có vốn, khiến mạng lưới giao thông thiếu kết nối do nhiều nơi bị gián đoạn, gây khó khăn cho sự phát triển chung. Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang, sự bất cập trong kết nối giao thông trong vùng hiện là một trong những nguyên nhân gây trở ngại trong phát triển chung, và ông dẫn chứng, từ Tây Ninh xuống TP.Hồ Chí Minh họp với đoạn đường chỉ 100 km mà phải đi mất hơn 3 giờ đồng hồ.

Đại diện các tỉnh thành khác như Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu...cũng kiến nghị cần phát triển các tuyến đường vành đai, nâng cao độ tĩnh không các cầu trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để tiếp tục phát triển vận tải đường thủy…; nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ thành quốc lộ, tạo sự kết nối giữa các tỉnh và giữa các tỉnh với TP. Hồ Chí Minh.

Dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông trong khu vực đã được chú trọng. Nhiều công trình hoàn thành đã mang tính kết nối liên vùng, như các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương và các tuyến đang triển khai, đang cải tạo nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư cảng Cái Mép – Thị Vải... Những việc này đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn đang rất chậm so với qui hoạch, ảnh hưởng đến kết nối giao thông vùng trong thời gian qua.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, TP.Hồ Chí Minh đã dự kiến đầu tư hạ tầng giao thông các tuyến kết nối trong giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo. Để đồng bộ khai thác, ông Bùi Xuân Cường đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: trong quá trình triển khai đầu tư các dự án kết nối TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, các dự án do địa phương đầu tư thì TP.Hồ Chí Minh sẽ đảm nhận phần xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính, tỉnh liên quan đảm nhận phần xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh. Các dự án kết nối bằng cầu vượt, cầu qua sông, TP.Hồ Chí Minh đảm nhận phần xây dựng chính, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố, các tỉnh đảm nhận chi phí xây dựng các hạng mục kết nối và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, mỗi địa phương không thể đơn độc phát triển mà phải liên kết với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm. Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các tỉnh thành cùng đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương để đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo./.

VL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN