Đẩy mạnh hợp tác với Pháp, giải quyết những vấn đề khoa học, công nghệ mới
(ĐCSVN) - Qua 40 năm hợp tác, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã triển khai hàng trăm dự án nghiên cứu chung, cùng thực hiện hàng trăm chuyến khảo sát thực địa trên núi, dưới biển; cùng xuất bản hàng nghìn công trình công bố có chất lượng cao trên các tạp chí uy tín quốc tế…
Năm 1983, Định ước hợp tác giữa Viện Khoa học Việt Nam (sau này là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và CNRS - 2 đơn vị nghiên cứu quốc gia của Việt Nam và Pháp đã chính thức ký kết tại Paris; mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam vượt qua rào cản cấm vận thời điểm đó, tiếp cận thêm với nền khoa học tiên tiến, môi trường học thuật hàn lâm, tiền đề cho những phát triển sau này của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Các hoạt động hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và CNRS đã tạo điều kiện để trao đổi các nhà khoa học sang thực hiện các nghiên cứu chung, tổ chức các hội thảo và tăng cường các thiết bị nghiên cứu, cũng như hình thành và kết nối các nhóm nghiên cứu liên ngành hóa học - sinh học - dược học, toán học - hóa học - sinh học, vật lý - hóa học - sinh học…, gia tăng sự phát triển từ nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng, hướng tới hình thành những sản phẩm chất lượng cao, làm động lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa CNRS và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tặng quà cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động hợp tác hai bên. |
Trong 40 năm hợp tác, hai bên đã triển khai hàng trăm dự án nghiên cứu chung, thực hiện hàng trăm chuyến khảo sát thực địa trên núi, dưới biển, tổ chức hàng chục lớp học, seminar khoa học chuyên sâu, cùng xuất bản hàng nghìn công trình công bố có chất lượng cao trên các tạp chí uy tín quốc tế, cùng đào tạo hàng trăm tiến sĩ và hiện giờ họ đang giữ các vị trí chủ chốt trong quản lý và phát triển các hướng nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nhiều đề tài đã đạt được những kết quả về lý thuyết cũng như thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Các nhóm, đơn vị nghiên cứu chung đã được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học Pháp và Việt Nam hợp tác triển khai nhiều nghiên cứu và đào tạo chất lượng.
Trên nền tảng quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo và nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và CNRS, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Sự ra đời của USTH với sự tham gia của các nhà khoa học CNRS trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu đã đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác đào tạo giữa hai bên.
Thông qua các hoạt động phòng thí nghiệm chung và tổ chức khóa học chuyên đề hàng năm tại USTH với sự tham gia và hướng dẫn của các nhà nghiên cứu, giáo sư đầu ngành của CNRS, hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và CNRS giai đoạn này đã tạo cơ hội cho nhiều nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam học tập và nghiên cứu trong môi trường quốc tế, đồng thời góp phần đưa USTH đạt trình độ quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) vừa diễn ra tại Hà Nội, GS.TS. Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhấn mạnh, trong gần nửa thế kỷ phát triển của Viện, CNRS là một trong những đối tác đầu tiên, tin cậy và bền vững, luôn đồng hành cùng với Viện, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, rào cản và góp phần xây dựng nền KH&CN Việt Nam hôm nay.
Những thành quả trong 40 năm hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và CNRS là minh chứng cho một mối hợp tác sâu rộng, bền chặt giữa hai cơ quan và có thể coi là một biểu tượng hợp tác hiệu quả và thành công giữa hai đất nước.
Trong thời gian tới, GS.TS. Lê Trường Giang mong muốn hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu chung, xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ mới trên thế giới hiện nay như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học... phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ, Pháp rất tự hào vì là một trong những đất nước đầu tiên song hành cùng Việt Nam trên con đường phát triển KH&CN và cùng hướng tới tương lai.
Hiện nay, thế giới, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và rất cần sự nỗ lực, đóng góp của các nhà khoa học để có thể giải quyết được. Đó là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ các đại dương…/.