Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nanoxenlulo
(ĐCSVN) - Mới đây, Trường Hóa và Khoa học sự sống, một Trường thành viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty CelluFAB, doanh nghiệp của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ sản xuất và ứng dụng các sản phẩm sinh học để giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu, đã chính thức khai trương Phòng thí nghiệm chung “CH Nanocellulose R&D Lab”, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, với sự tham gia của Lãnh đạo Trường và Công ty, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Hai đơn vị đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nanoxenlulo. Ảnh: TL |
Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu cho các Dự án đã được thỏa thuận chung đã được về nghiên cứu công nghệ sản xuất, ứng dụng nanoxenlulo và các sản phẩm khác từ sinh khối, hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính của các quá trình công nghiệp, trong khuôn khổ Chương trình Đổi mới công nghệ của Chính phủ Hàn Quốc, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội ở các quốc gia tiếp nhận hỗ trợ thông qua áp dụng công nghệ tân tiến được tạo ra bởi các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CelluFAB đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác về vấn đề này, đồng thời từ đầu năm 2023 đã bắt đầu triển khai những hoạt động hợp tác về Dự án hoàn thiện công nghệ sản xuất nanoxenlulo từ bã mía và ứng dụng làm phụ gia bê tông bền, do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Nanoxenlulo là vật liệu nano nguồn gốc tự nhiên, có thể được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sinh khối lignoxenlulo khác nhau, bằng cách phân sợi xenlulo kích thước micro thành những xơ sợi kích thước từ vài đến vài trăm nanomet, được đánh giá là loại vật liệu mới, vật liệu nano nguồn gốc tự nhiên có tiềm năng trữ lượng lớn nhất, có thuộc tính vượt trội xenlulo, như chịu nhiệt, kỵ nước, kháng khuẩn, khối lượng riêng chỉ bằng khoảng 1/5 thép, nhưng độ bền cơ học có thể cao hơn gấp 5 lần, có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực công nghệ cao, như trong chế tạo máy bay, ô tô, vật liệu bán dẫn, điện tử, mỹ phẩm, y sinh…
Công nghệ sản xuất nanoxenlulo đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc tập trung triển khai và hoàn thiện. Nhật Bản đã chọn nanoxenlulo là một trong “bốn vật liệu mới của tương lai”, xếp nanoxenlulo vào loại vật liệu chiến lược, cấm xuất khẩu hay đưa mẫu sản phẩm đã sản xuất ra nước ngoài.
Đại học Bách Khoa Hà Nội đã làm chủ quy trình công nghệ sản xuất nanoxenlulo từ bột giấy sulfat gỗ cứng sản xuất tại Việt Nam ở quy mô thử nghiệm, và phương pháp chế tạo nanoxenlulo từ các nguồn vật liệu lignoxenlulo khác, như rơm rạ, bã mía, bã sắn, tre, trấu.
Trong khi đó, Công ty CelluFAB có thế mạnh trong phát triển hoàn thiện công nghệ và ứng dụng các sản phẩm sinh học khác từ sinh khối. Hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nanoxenlulo từ bã mía sẽ triển khai theo hướng chế biến bã mía đồng thời thành nhiều sản phẩm sinh học, trên nền tảng phát triển công nghệ ít phát thải chế biến toàn bộ biến sinh khối (“Biorefineries”), như một công nghệ khả thi được áp dụng đối với dạng phế phụ phẩm của ngành mía đường có tiềm năng trữ lượng lớn và tính chất đặc thù, cũng như nâng cao giá trị so với các phương thức tận dụng bã mía hiện nay và một lượng lớn bã mía vẫn chưa được tận dụng. Các sản phẩm chính dự kiến có thể ứng dụng trong sản xuất bê tông, vật liệu kết cấu và xây dựng, cầu đường và nhiên liệu sinh học...
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng nanoxenlulo, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: TL |
Dự án hợp tác dự kiến sẽ kéo dài 5-7 năm, từ quy mô phòng thí nghiệm đến sản xuất thử nghiệm, ứng dụng tại Việt Nam và Hàn Quốc, với cam kết tài trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc.
Phát biểu tại các buổi làm việc, ông CHO Han Deog - nguyên Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam và bà Choi Je Yoon - Phó giám đốc Quốc gia đã đánh giá cao sự hợp tác của doanh nghiệp với Đại học Bách Khoa Hà Nội và sẽ tạo sự ủng hộ cao nhất từ phía Chính phủ Hàn Quốc.
Hợp tác được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thông qua tái chế chất thải nông nghiệp, giúp giải quyết vấn xã hội trong nông nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực ứng dụng sản phẩm của công nghệ được tạo ra. Công nghệ được nhân rộng sẽ là một trong những giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp đáng kể cho môi trường toàn cầu./.