Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dạy học online cần sự linh hoạt từ phía thầy cô​

Thứ Năm, 18/11/2021 16:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương triển khai phương án tạm dừng dạy học trực tiếp, chuyển sang hình thức dạy học online trong thời gian dài. Sự thay đổi về hình thức dạy - học đã góp phần thực hiện tốt phương châm “không ngừng việc học” đối với học sinh. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả của hình thức dạy học online rất cần sự linh hoạt từ phía thầy cô.

Trên thực tế, khi chuyển sang hình thức dạy – học online để phòng chống dịch COVID-19, ở nhiều địa phương, nhiều nhà trường đã gặp phải không ít những khó khăn từ cả hai phía thầy và trò. Cụ thể như trò thiếu phương tiện, thiết bị để học tập, thầy cô lúng túng trong phương pháp dạy – học online, tương tác giữa thầy và trò không được nhịp nhàng, việc tạo ra giờ học sinh động, hấp dẫn khó thực hiện, việc phát triển các kỹ năng mềm cho học sinh thông qua tiết học khá hạn chế. Đồng thời, việc học sinh ngồi trước máy tính hay điện thoại thông minh trong một buổi học với 4-5 tiết học dẫn đến những vướng mắc về tâm lý, hiệu quả giờ học không cao.

Sự vận dụng linh hoạt các phương pháp sẽ tạo hiệu quả cho việc dạy và học online hiện nay

(Ảnh: Thế Lượng)

Từ thực tế trên, khi xây dựng kế hoạch bài học cho tiết học online, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp để đạt được hiệu quả của giờ học. Trước hết là sự linh hoạt về việc chọn ứng dụng dạy – học online. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng dạy học online để các nhà trường, các thầy cô giáo lựa chọn sử dụng. Vì thế, khi lựa chọn, các thầy cô không nên cứng nhắc lựa chọn một ứng dụng duy nhất để tiến hành giờ dạy mà cần có sự linh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của học sinh. Đặc biệt, ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh còn nhiều thiếu thốn, khó khăn về thiết bị học online thì mỗi thầy cô nên lựa chọn hình thức giao bài, ôn tập, kết nối với học sinh qua các ứng dụng mà học sinh dễ sử dụng nhất như zalo, facebook, messenger…Nếu cần thiết, việc giao bài trực tiếp cho học sinh sẽ giúp các em có tài liệu ôn tập trong những ngày ở nhà phòng chống dịch.

Nếu như học trực tiếp thì thời gian mỗi tiết học theo đúng quy định là 45 phút. Tuy nhiên, nếu như vẫn áp dụng quy định này vào tiết học online hiện nay thì chắc chắn sẽ tạo nên sự căng thẳng và áp lực đối với học sinh. Rất khó khăn đối với tâm lý, thể chất của học sinh khi một buổi học có 5 tiết x 45 phút/tiết các em phải ngồi trước máy tính hay trước điện thoại thông minh để thực hiện các nhiệm vụ học tập. Như thế, tâm trí, thị lực của học sinh sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều, hiệu quả giờ học không cao, dẫn đến trạng thái uể oải, chán nản khi học tập. Bởi vậy, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần vận dụng linh hoạt quy định về thời gian mỗi tiết học. Trong kế hoạch bài giảng cần thể hiện rõ việc giao nhiệm vụ cho học sinh trước giờ học, xác định kiến thức trọng tâm, giảm tải những nội dung có thể khuyến khích học sinh tự đọc, tự học. Trên cơ sở đó, có thể điều chỉnh thời gian mỗi tiết học giảm từ 5-10 phút. Thời gian còn lại dành cho sự tương tác giữa thầy và trò để giải quyết các kiến thức trọng tâm của bài học, giải đáp những nhiệm vụ đã giao cho học sinh từ trước.  

Trong quá trình thực hiện bài học online, sự linh hoạt trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy sẽ giúp cho tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn. Thay vì độc thoại và truyền thông tin qua ứng dụng, thầy cô nên lựa chọn các cách khởi động tiết học để tạo hứng thú cho học sinh ngay từ đầu giờ học. Trong giờ học, tăng cường phát vấn, làm việc nhóm, xen kẽ trò chơi, khuyến khích bằng cách thưởng điểm để tăng sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò. Đồng thời, căn cứ vào lứa tuổi học sinh các cấp học để lựa chọn các hình thức giao nhiệm vụ cho các em, tránh việc giao một chiều, học sinh gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Việc linh hoạt trong tương tác với phụ huynh sau mỗi tiết học online để giúp học sinh thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với học sinh bậc Tiểu học là rất cần thiết.

Kiểm tra, đánh giá học sinh là khâu rất quan trọng trong quá trình dạy – học và phải thực hiện theo những quy định hiện hành. Tuy nhiên, khi dạy – học online, sự linh hoạt để đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh là rất cần thiết. Thay vì học sinh làm bài trên giấy như khi học trực tiếp, khi học online, các em được kiểm tra qua các ứng dụng đảm bảo tính bảo mật cao, an toàn, khách quan và chống được gian lận khi làm bài. Đồng thời, điểm kiểm tra thường xuyên cần linh hoạt cách thức kiểm tra, hệ thống câu hỏi và kết hợp với đánh giá về ý thức học tập của học sinh.

Thiết nghĩ, dạy - học online trong thời gian dài nếu linh hoạt trong khi triển khai sẽ góp phần tạo nên hiệu quả của giờ học, tạo hứng thú và tinh thần học tập của học sinh. Muốn vậy, cần có sự thay đổi từ phía nhà trường, từ các thầy cô giáo./.

Nguyễn Thế Lượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN