Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đầu tư vào các Khu kinh tế ven biển miền Trung

Thứ Tư, 29/11/2023 19:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm qua, các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã tranh thủ những hỗ trợ của Trung ương và những nỗ lực trong việc chủ động khai thác các lợi thế để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển các khu kinh tế ven biển, qua đó làm cho diện mạo của các địa phương ven biển thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng cao và đang góp phần quan trọng trong thành công về chiến lược biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ phát biểu tại Hội thảo

Sáng 29/11, tại Đà Nẵng, Viện Khoa học Xã hội Vùng Trung bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung”. Hội thảo là diễn đàn khoa học nhằm tìm kiếm giải pháp, đề xuất thiết thực với các các cơ quan hữu quan về chiến lược phát triển khu kinh tế ven biển miền Trung trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa cả ba khía cạnh: Môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ cho biết, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/02/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Đến năm 2018, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 36-NQ/TW nhấn mạnh đến việc xây dựng, nhân rộng mô hình khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh kết hợp tăng cường quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo... và hướng đến mục tiêu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước vào năm 2030. Trên tinh thần đó, liên tục những năm qua, Đảng và Nhà nước đã xác định việc thành lập các khu kinh tế ven biển là góp phần củng cố sức mạnh, tiềm lực bên trong và lan tỏa thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới.

Trải qua hơn 20 năm phát triển kể từ khi khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập năm 2003, hiện cả nước có 19 Khu kinh tế (KKT) ven biển, riêng khu vực vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 11 KKT ven biển. Các KKT này đã thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng đã có khoảng 60,4 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất, và đi vào vận hành kinh doanh. Cơ cấu kinh tế nhiều tỉnh, thành ven biển tại đây đã dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ (trọng tâm là dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng). Cơ cấu lao động các tỉnh, thành ven biển cũng đã dịch chuyển từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Ngoài ra, việc kết hợp phát triển KKT, khu công nghiệp ven biển kết hợp với xây dựng KKT - quốc phòng vùng biển, đảo cũng đã được chú trọng, góp phần tích cực vào việc củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 Theo các đại biểu, trong những năm qua, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đầu tư vào phát triển các khu kinh tế ven biển, qua đó làm cho diện mạo của các địa phương trong vùng có nhiều thay đổi tích cực

Tại Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, …. ; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực…”.

Trong những năm qua, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã tranh thủ những hỗ trợ của Trung ương và những nỗ lực trong việc chủ động khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển các khu kinh tế ven biển này, qua đó làm cho diện mạo của các địa phương trong vùng có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng cao và đang góp phần quan trọng trong thành công về chiến lược biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Theo TS. Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng), các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đang tập trung phát triển kinh tế biển, tập trung phát triển KKT ven biển. Hiện tại đây có 11 KKT/19 KKT ven biển của cả nước. Các KKT ven biển này đã và đang có những đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời cho phép huy động tối đa nguồn nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế và chính sách kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

TS. Bùi Quang Bình cho biết, quy mô giá trị sản xuất của các KKT ven biển tại miền Trung lớn mạnh và đang khẳng định vị trí trong nền kinh tế ở đây, tuy nhiên sự phát triển không đều và hiện đang có sự phân hóa giữa các KKT ven biển ở khu vực.

TS. Bùi Quang Bình chia sẻ, giá trị sản xuất (GTSX) của các KKT ven biển tại miền Trung năm 2015 là 187.721 tỷ đồng, năm 2020 là 675.525 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm (tương ứng 487.805 tỷ đồng). Quy mô sản xuất của các KKT ven biển tăng dần và góp phần mở rộng quy mô nền kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Quy mô sản xuất của các KKT ven biển chiếm hơn 12% nền kinh tế chung năm 2015 đã tăng lên hơn 28% quy mô nền kinh tế chung. Tuy nhiên sự phân hóa giữa các KKT ven biển càng rõ, chỉ 4 khu như Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi) đang chiếm ưu thế. GTSX của 4 khu này chiếm gần 83% GTSX của 11 KKT ven biển năm 2015 và năm 2020 con số này là hơn 80% GTSX.

Cùng với GTSX tăng, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ các KKT ven biển ở miền Trung cũng tăng lên đáng kể. Năm 2015 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các KKT ven biển này đạt 46.434 tỷ đồng, đến năm 2020 là 196.101 tỷ đồng, tăng gấp 4,22 lần. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các KKT ven biển chiếm trong GTSX của vùng đạt gần 25% năm 2015 và hơn 29% năm 2020.

Sự phát triển của các KKT ven biển tại miền Trung hiện lẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra 

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trên, song theo TS. Bùi Quang Bình, hiện sự phát triển của các KKT ven biển ở miền Trung vẫn chưa đạt được những mục tiêu và kỳ vọng đặt ra ban đầu. Trong đó, có những hạn chế như: Cơ chế chính sách phát triển các KKT ven biển thiếu đột phá và chưa đủ mạnh theo yêu cầu phát triển, cơ chế chính sách chung cho tất cả tuy đã tạo ra sự bình đẳng nhưng khá cứng nhắc, không phù hợp với tính đặc thù của các địa phương và kéo theo tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư các địa phương; việc vận dụng, ban hành cơ chế chính sách của các địa phương thiếu thống nhất tùy nhận thức và khả năng vận dụng của địa phương. Mặc dù có sự điều chỉnh chính sách tập trung cho một số KKT ven biển có tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa đủ xung lực thúc đẩy phát triển.

Việc tập trung hóa sản xuất vẫn chưa cao như kỳ vọng để tạo ra động lực mạnh - cực tăng trưởng cho nền kinh tế; sự phát triển sản xuất của các KKT ven biển ở đây không đều, hiện đang có sự phân hóa giữa các KKT ven biển này. Mức độ tập trung các yếu tố sản xuất vẫn chưa cao xét trên toàn vùng và chỉ tập trung chủ yếu ở 4 KKT ven biển trên tất cả các khía cạnh như kết quả sản xuất, vốn đầu tư, lao động và đất đai; trình độ công nghệ sản xuất chưa có sự vượt trội nhiều để đủ sức tạo ra sự lan tỏa với toàn bộ nền kinh tế.

Mức độ chuyên môn hóa chưa cao giữa các KKT ven biển ở đây, vẫn còn sự trùng lắp hay các ngành sản xuất giống nhau tạo ra tính thay thế và cạnh tranh lẫn nhau. Việc tập trung hóa cao gắn với chuyên môn hóa sâu cho từng KKT ven biển cũng như trên tổng thể vùng chưa rõ nét, thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển; đồng thời thiếu đi “nhạc trưởng” chỉ huy chung thực hiện. Liên kết phát triển giữa các địa phương có KKT ven biển và các KKT ven biển với nhau rất hạn chế.

Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài các KKT ven biển vẫn chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính kết nối, tính hiện đại và phát triển kém, chẳng hạn cơ sở hạ tầng ven biển tại các KKT này được đầu tư phát triển tương đối nhiều nhưng dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sự phát triển của các KKT ven biển vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra như đóng góp vào tăng trưởng hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp, chưa giải quyết nhiều lao động, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế và vùng phía Tây các địa phương ở đây. Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ tại các KKT ven biển.

Hội thảo kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những giải pháp, đề xuất thiết thực với các các cơ quan hữu quan về chiến lược phát triển khu kinh tế ven biển miền Trung trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa cả ba khía cạnh: môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội

Cùng với những đánh giá, chia sẻ trên, tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học đã tập trung trao đổi về vấn đề mà Hội thảo quan tâm như: Thực trạng thu hút đầu tư và những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung; nhận diện các bất cập, chống chéo, mâu thuẫn trong các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, tài nguyên và môi trường; phân tích, đánh giá phát triển các KKT ven biển theo hướng bền vững ở miền Trung; vấn đề bảo vệ môi trường ở các KKT ven biển miền Trung; đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung thời gian tới.

Cạnh đó, các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra, việc thực hiện dự án phát triển KKT ven biển tại miền Trung hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, kinh doanh bất động sản… dẫn đến phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục hành chính khác nhau theo quy định của pháp luật có liên quan; các địa phương thường thiếu sự đồng bộ và liên kết trong việc kêu gọi đầu tư; các lĩnh vực đầu tư vào các KKT ven biển ở vùng chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử; thiếu sự đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ sử dụng công nghệ cao; các dự án đầu tư vào vùng chủ yếu tập trung vào khía cạnh phát triển kinh tế, thiếu sự quan tâm đến khía cạnh xã hội như an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong khi đó, tại nhiều khu công nghiệp và KKT hiện đang là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây bức xúc cho người dân sống quanh khu công nghiệp và KKT….

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ cho biết: “Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, chúng tôi sẽ tổng hợp và kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những giải pháp, những đề xuất thiết thực với các các cơ quan hữu quan về chiến lược phát triển khu kinh tế ven biển miền Trung trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa cả ba khía cạnh: môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội”./.

Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN