Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp chip bán dẫn
(ĐCSVN) – Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu.
PGS,TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo |
Sáng 19/10, tại TP Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam".
Tham dự Hội thảo có các Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng và gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam là những cơ sở đào tạo có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn; đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn; các chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn; đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở ra nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.
Theo PGS,TS. Hoàng Minh Sơn, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD&ĐT và thị trường lao động. Trong khi đó, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Thế nhưng, cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có. Do vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
Cùng với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý: Cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Đồng thời với đó, phải xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý: Hội thảo lần này sẽ thảo luận và thống nhất về những hành động cần triển khai, cần phối hợp triển khai và cần triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao. Vì vậy, Hội thảo sẽ góp phần thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.
Qang cảnh Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam". |
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe lãnh đạo Đại học Đà Nẵng phát biểu, thông tin về tình hình đào tạo các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại đơn vị; lãnh đạo Thành uỷ Đà Nẵng báo cáo kết qủa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ phát triển công nghiệp nói chung và chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn.
Hội thảo cũng lắng nghe các tham luận, trao đổi từ các đại học, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành; nghe Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) báo cáo về thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và phát biểu định hướng từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học./.