Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dành hết tuổi trẻ để đóng góp vì sự phát triển của ngành Y

Thứ Sáu, 06/12/2019 16:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - TS.BS Đào Văn Tú chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã được nghe lời Bác dạy về người cán bộ: "vừa hồng, vừa chuyên". Lớn lên và trong suốt quá trình học tập, công tác, tôi đúc kết "vừa hồng, vừa chuyên" đơn giản là sống tốt và làm việc giỏi thì mới đóng góp được nhiều cho đất nước.

Tiến sỹ, bác sỹ (TS.BS) Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K đã chia sẻ khiêm tốn như vậy khi được hỏi về những công trình, sáng kiến mà anh đã ghi dấu ấn khi tuổi đời còn khá trẻ.

  TS.BS Đào Văn Tú

Ở tuổi 34, bác sỹ Tú là đồng chủ nhiệm 01 đề tài cấp bộ, chủ nhiệm 03 đề tài thử nghiệm lâm sàng, 05 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài các cấp sau khi nghiên cứu thành công đều được áp dụng vào thực hành lâm sàng.

Anh còn ghi danh ở 8 công trình khoa học được công bố trong đó có 2 công trình đăng trên tạp chí thế giới; 4 báo cáo tại các Hội nghị chuyên ngành Ung thư các năm 2014, 2015 và 2018.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu phát hiện ra ANGPTL4 là một protein khi xuất hiện trong máu sẽ dự báo tình trạng di căn não, việc bác sỹ Tú nghiên cứu sử dụng ANGPTL4 như một chất để dẫn thuốc điều trị ung thư qua hàng rào máu não được giới chuyên môn đánh giá cao.

Nói về bí quyết để làm việc giỏi, bác sỹ Tú cho rằng, phải xác định mình đang ở đâu, có năng lực như thế nào. Xác định được năng lực bản thân rồi thì phải có ý tưởng sáng tạo bởi liên tục sáng tạo chính là khởi nguồn của mọi sự sáng tạo, liên tục cải cách để việc sau tốt hơn việc trước.

“Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra chìa khóa của sự thành công chính là liên tục học hỏi. Tôi rất may mắn từ khi còn là học sinh được học nhiều thầy cô rất tâm huyết, gặp gỡ những người bạn tốt và học hỏi ở họ rất nhiều điều. Ngành Y là ngành học dựa vào kiến thức, trí tuệ, từ sách vở, khoa học. May mắn hơn, tôi được đi học nước ngoài nên tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng từ những người thầy ngoại quốc và đến bây giờ, tôi vẫn giữ liên hệ với các thầy cô, bạn bè ở nhiều quốc gia, học ở họ đạo lý làm người, khả năng làm việc, tư duy khoa học.

Cùng với đó, việc duy trì hợp tác với bác sỹ ở trên 50 quốc gia trong đó có nhiều bác sĩ đầu ngành thế giới để thừa hưởng, nắm bắt những tiến bộ y học làm sao để áp dụng sớm nhất vào công tác nghiên cứu và khám chữa bệnh cho người dân Việt Nam, chính là lý tưởng ngay từ ban đầu tôi theo đuổi”, TS.BS Đào Văn Tú nói.

Nói về sống tốt, bác sỹ Tú quan niệm, sống tốt đầu tiên phải từ trong tư duy, mỗi suy nghĩ đều phải tốt. Phải biết nhìn nhận mình có điểm gì mạnh, điểm gì chưa tốt để từ đó phát huy những điểm mạnh, hạn chế điểm yếu để hoàn thiện bản thân.

“Có cơ hội được làm việc với nhiều người trẻ ở nước ngoài, cả phương Tây và phương Đông, tôi nhận thấy rất nhiều bạn trẻ có phương châm sống hướng thiện, giúp ích cho cộng đồng, đó cũng là điều tôi theo đuổi”, bác sỹ chia sẻ.

“Mỗi ngày, tôi tiếp xúc từ 50 đến 100 bệnh nhân, tùy theo lịch làm việc. Công việc cũng có phần nặng nề nên có lúc tôi cũng rơi vào trạng thái stress nhưng tôi luôn coi người bệnh như người thân của mình. Tất cả những người làm việc trong ngành Y đều hiểu được ý nghĩa to lớn của việc điều trị bệnh. Vì thế, suy nghĩ, hành động của người thầy thuốc đều phải vì bệnh nhân. Tôi đã được trải nghiệm rất nhiều từ những hoàn cảnh éo le, bệnh tình nguy hiểm, khó tiếp cận được phác đồ điều trị cơ bản tối thiểu chứ chưa nói đến phác đồ tối ưu do không có điều kiện kinh tế. Rất nhiều người vướng phải những gánh nặng con cái, gia đình mà vì bệnh tình họ phải chia ly mà từ chối chữa trị. Đó chính là động lực rất lớn để những người bác sĩ như tôi tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân, phát triển nghiên cứu khoa học kĩ thuật mới để giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, bao gồm cả bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác”, bác sỹ Tú chia sẻ.

Lấy ví dụ về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS được phát hiện năm 1980 đến nay, sau gần 40 năm đã có thể kiểm soát được, những người nhiễm bệnh có thể sống cuộc sống như người bình thường, không lây cho gia đình, con cái, bác sỹ Tú khẳng định, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, các bác sĩ đều đang cố gắng từng ngày để giải quyết, đẩy lùi những căn bệnh hiểm nghèo. Động lực từ người bệnh chính là động lực để các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân và nghiên cứu khoa học.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp các đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc. TS.BS Đào Văn Tú (đứng thứ tư từ phải qua)

“Trước đây, ung thư được coi là bản án tử hình. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm khi còn là sinh viên Đại học Y, đi thực tế gặp một số bệnh nhân có khối u lớn cần được điều trị,  làm sao để có thể ứng dụng y học hiện đại, giúp người bệnh thoát khỏi bệnh tật là nỗi trăn trở của chúng tôi. Đến nay, ngành Y tế đã có những thành tựu phát triển vượt bậc. Nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa bệnh, có thể kéo dài thời gian sống. Bác sỹ đã có thể phân nhóm giai đoạn ung thư để điều trị, điều trị triệt để. Có những điều trị đặc hiệu, điều trị tối ưu có thể kéo dài cuộc sống 3 năm, 5 năm thậm chí 10 năm.

Đảng, Nhà nước và ngành Y tế đã có những phương sách khác nhau hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Mỗi ngày, mỗi giờ, trước mỗi người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế, tôi luôn luôn mong muốn được dành hết tâm huyết chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp để khống chế bệnh tật, nghiên cứu tìm ra phương án chữa bệnh tối ưu, dành hết tuổi trẻ của mình để đóng góp vì sự phát triển của ngành Y, vì sức khỏe của mỗi người dân Việt”, bác sỹ Tú chia sẻ.

TS.BS Đào Văn Tú chính là một trong 20 đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019./.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN