Đảng ủy xã La Bằng: Kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi
(ĐCSVN) – La Bằng là xã miền núi thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhưng là địa phương về đích nông thôn mới sớm hơn 1 năm so với mục tiêu. Theo chia sẻ của Đảng ủy xã, kinh nghiệm cho thấy, huy động sức dân, đoàn kết nhân dân chính là động lực chính khi thực hiện chương trình.
Lo đời sống nhân dân trước khi huy động sức dân
Nằm dọc đường quốc lộ 37 từ Thành phố Thái Nguyên lên La Bằng giờ đây chỉ mất 1 giờ đồng hồ thay vì 2 giờ như trước kia. Tuyến đường đến xã, đến từng thôn, đường ra mỗi cánh đồng cũng đã được mở rộng và cứng hóa, ô tô có thể chạy ra đến chân ruộng. Bên ven đường, nhiều nếp nhà tầng mới mọc lên trên những triền núi thoai thoải báo hiệu sự đổi thay lớn trên quê hương cách mạng Thái Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng Nguyễn Ngọc Thép cho biết, từ năm 2011, La Bằng được chọn là một trong 35 xã điểm của tỉnh Thái Nguyên để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên luồng sinh khí mới cho sự phát triển của xã.
Đảng ủy xã đặt ra mục tiêu muốn huy động được sức dân thì phải lo cho dân trước. Do đó, vấn đề giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân được đặt lên hàng đầu. Để đạt mục tiêu này, La Bằng đã triển khai quy hoạch lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, luân canh tăng vụ, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại, xây dựng vùng chè nguyên liệu, vùng chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, tập trung vào cây chè là ưu tiên hàng đầu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Xã đã cho chuyển đổi mỗi năm từ 10-15 ha cây chè già, cây chè trung du xuống cấp, giá trị kinh tế thấp chuyển sang chè giống mới năng suất, chất lượng cao. Mục tiêu đến năm 2020 chỉ giữ lại 25% diện tích chè trung du có thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với việc làm chè đông. Còn lại chuyển sang chè mới chất lượng cao.
Bí thư Đảng ủy xã La Bằng Nguyễn Ngọc Thép cho biết, hiện xã có hơn 300 ha chè, trong đó trên 200 ha chè đang cho thu hái, với năng suất bình quân đạt trên 90 tạ/ha, sản lượng chè trung bình gần 1.900 tấn búp tươi, tương đương gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Với giá bán trung bình từ 150.000 - 300.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm cây chè mang lại cho trên 1.000 hộ nông dân của 10 thôn, xóm thuộc xã La Bằng giá trị sản xuất hơn 55 tỷ đồng...
Nói về sự đổi thay trên quê hương, chị Nguyễn Thị Dự, xóm La Cút, xã La Bằng cho biết, trước năm 2010, La Bằng vẫn là xã khó khăn, đường xá đi lại còn nhỏ và nhân dân tự làm chè theo hướng tự phát, mạnh ai nấy làm. Từ khi xã có chủ trương phát triển theo hướng tập trung, nhân dân trong xã đã có định hướng rõ ràng hơn trong sản xuất chè. Xã cũng đưa nông dân đi học hỏi kinh nghiệm ở những vùng trồng chè khác hoặc mời cán bộ kỹ thuật về trợ giúp, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây chè, chế biến chè để đạt năng suất, chất lượng hơn. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập từ trồng chè cao hơn nhiều so với trước, nhiều hộ trong xóm, trong xã đã vươn lên làm giàu. Chỉ riêng gia đình chị Dự hiện đang trồng gần 2 mẫu chè cho thu hoạch quanh năm. Sản lượng mỗi sào được 25 cân chè khô/đợt thu hoạch. Giá trung bình 400 nghìn/kg. Mỗi năm chị thu 7 đợt, trừ chi phí gia đình chị cũng lãi gần 200 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 10-12 lao động mỗi đợt thu hoạch.
Ngoài nhà chị Dự, nhiều hộ gia đình khác trồng chè đặc sản như anh Trần Trọng Bình (xóm Đồng Đình), Lại Văn Dương (xóm Tiến Thành), Nguyễn Xuân Nang (xóm Đồng Tiến)... có thu nhập từ trồng chè hơn 300 triệu ha/năm đã trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp vùng... Cùng với thế mạnh là cây chè, La Bằng cũng là nơi phát triển mô hình chăn nuôi cá nước lạnh (cá tầm) đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ kinh tế phát triển mạnh, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) ở La Bằng hiện nay chỉ còn 7% và hộ cận nghèo còn 6,3%, thấp hơn bình quân chung của toàn tỉnh, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, số gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 86%. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt trên 34 triệu đồng, tăng gần 250% so với năm 2010.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Để động viên tinh thần và huy động nhân dân xây dựng nông thôn mới, Hội nông dân xã tổ chức phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững". Các đoàn thể triển khai rầm rộ phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới"... Qua các phong trào này, bà con đã thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới.
Nhà nước cho xi măng, nhân dân giải phóng mặt bằng, rồi đối ứng nguyên vật liệu, tự giám sát công trình, đến nay cơ bản, tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ đường trục xóm được cứng hóa đạt trên 92%; 55% chiều dài kênh mương được xây dựng kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn, sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các xóm có nhà văn hóa, cả 3 cấp học của địa phương đều đạt và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia; không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Trong giai đoạn 2010-2015, bà con trong xã tự nguyện đóng góp đối ứng nguyên vật liệu, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng công cộng trị giá hơn 10,7 tỷ đồng; hiến gần 70.000 m2 đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi.
Bí thư Đảng ủy La Bằng Nguyễn Ngọc Thép (thứ 2 từ trái) cho biết những kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. (Ảnh: HH)
Riêng sản phẩm chè đặc sản La Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể "Chè La Bằng", có sức tiêu thụ lớn trên thị trường. Từ cây chè, xã đã hình thành 2 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác sản xuất chè đặc sản; hầu hết các làng nghề chè trong xã đều áp dụng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Dù đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng đánh giá về những mặt hạn chế trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1 (2010-2015), đồng chí Nguyễn Ngọc Thép cho biết, La Bằng là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào cây lúa và cây chè cho nên các vấn đề xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn; các nhà doanh nghiệp trên địa bàn không có cho nên sức huy động còn hạn chế. Trong khi đó, về nhận thức của người dân khi bước vào xây dựng nông thôn mới còn nhiều e ngại. Sau khi có kết quả cụ thể trong giai đoạn 1, nhận thức của người dân đã được chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên, để bước vào giai đoạn 2 xây dựng nông thôn mới tiên tiến thì còn phải nâng cao nhận thức hơn nữa. Nhất là tiêu chí về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng Nguyễn Ngọc Thép cho biết thêm, không chỉ giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới, xã đang ra sức phấn đấu trở thành một trong ba xã "Nông thôn mới tiên tiến" của tỉnh Thái Nguyên. Để đạt được mục tiêu này, La Bằng đã xây dựng những chương trình, dự án cụ thể như: nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu tập thể "Chè La Bằng", tận dụng tiềm năng của khu vực thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch làng nghề chè truyền thống, nuôi cá nước lạnh và cây dược liệu... Xã cũng dự kiến huy động hơn 10,2 tỷ đồng để đầu tư thực hiện các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, góp phần xây dựng La Bằng ngày càng ấm no, giàu đẹp, xứng danh truyền thống cách mạng anh hùng và thực sự trở thành xã nông thôn mới điển hình, tiên tiến của tỉnh Thái Nguyên.
Xã tiếp tục khuyến khích, vận động bà con phát triển sản xuất chè theo hướng nâng cao chất lượng, gìn giữ và phát huy nhãn hiệu tập thể chè La Bằng; nâng cao hiệu quả sản xuất của 10 làng nghề chè trong xã; kết hợp các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của xã để phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Tiếp tục phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực của địa phương, đồng thời thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn, kết hợp với việc huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và đóng góp của nhân dân để triển khai thực hiện chương trình, La Bằng phấn đấu trở thành xã nông thôn mới tiên tiến trước năm 2020./.